5 quyết sách lớn Quốc hội thông qua cho Đà Nẵng
Ngày 4.7, tại buổi tiếp xúc cử tri các phường Thanh Khê, Hòa Khánh, Liên Chiểu…, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, đã thông tin nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đây là kỳ họp được đánh giá có ý nghĩa lịch sử khi Quốc hội thông qua số lượng luật và nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay, gồm 34 luật và 14 nghị quyết, đồng thời sửa đổi Hiến pháp để xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Theo đó, Quốc hội đã thông qua chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức đơn vị hành chính cấp quận, huyện.
"Tính đến hiện nay, cả nước chỉ còn 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 66,9%. Trong đó, chúng ta có một đặc khu rất đặc biệt là đặc khu Hoàng Sa", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri
Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua rất nhiều chủ trương, trong đó có 5 nội dung liên quan trực tiếp đến TP Đà Nẵng.
Thứ nhất là thành lập TP Đà Nẵng mới từ việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng hiện nay. Đây sẽ là TP trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố và xếp thứ 11 toàn quốc.
Thứ hai, cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 136 trên toàn bộ địa bàn thành phố mới, bao gồm cả phần tỉnh Quảng Nam hợp nhất. Đây là thuận lợi lớn mà không nhiều địa phương có được.
Thứ ba, là tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương, chuyển từ chính quyền đô thị sang mô hình toàn diện có Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường. Từ 1.7, HĐND lâm thời tại các phường sẽ hoạt động cho đến kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào 15.3.2026.
Thứ tư, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại hai địa điểm TP.HCM và Đà Nẵng. Ông Quảng cho biết, đây là lần đầu tiên trên thế giới một trung tâm tài chính quốc tế được tổ chức đồng thời ở hai địa điểm. Dù vậy, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, Đà Nẵng sẽ đối mặt không ít thách thức khi xây dựng mô hình này.
“119 trung tâm tài chính trên thế giới, nhưng số trung tâm thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Được lựa chọn là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của thành phố,” ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ tại buổi tiếp xúc
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Đà Nẵng không thể so sánh với TP.HCM về quy mô thị trường tài chính, song lại có tiềm năng phát triển tài chính xanh, tài chính số và các mô hình thử nghiệm có kiểm soát…
“Không gian sống tốt, môi trường đầu tư hấp dẫn chính là thế mạnh của chúng ta. Trung tâm tài chính không chỉ là văn phòng giao dịch, mà phải là một hệ sinh thái đáng đầu tư, đáng sống,” ông Quảng nói.
Ông cũng cho biết, chức năng của trung tâm tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ được phân định rõ ràng để tránh xung đột, triệt tiêu lẫn nhau.
Nội dung quan trọng cuối cùng là việc Đà Nẵng đi đầu đề xuất thành lập khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam và đã được Quốc hội đồng ý, mở ra hướng phát triển mới. Sau đó, Hải Phòng cũng được áp dụng và thậm chí có thêm các chính sách ưu việt hơn.
Kết thúc buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy bày tỏ mong muốn cử tri tiếp tục đồng thuận, ủng hộ, cùng chính quyền triển khai các chủ trương lớn, đặc biệt là mô hình chính quyền hai cấp mang tính cách mạng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.