5 sáng kiến đột phá thúc đẩy chuyển đổi xanh của Nhật Bản
Với các sáng kiến then chốt như định giá carbon theo hướng tăng trưởng, tích hợp các biện pháp khuyến khích tài chính, xây dựng Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC), phát triển kiên minh chuyển đổi xanh, cùng với mục tiêu chuyển đổi năng lương xanh, phát triển nền kinh tế carbon thấp, hướng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Nhật Bản đang khẳng định vị thế tiên phong trên trường quốc tế trong phát triển bền vững…

Nhật Bản đang khẳng định vị thế tiên phong trên trường quốc tế trong phát triển bền vững…
Chuyển đổi Xanh (Green Transformation- GX) ám chỉ sự chuyển đổi toàn diện của hệ thống kinh tế và xã hội, từ một nền kinh tế, xã hội và cấu trúc công nghiệp phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang các cấu trúc được thúc đẩy bởi năng lượng sạch và mục tiêu của sáng kiến này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua việc giảm thiểu khí thải, theo định nghĩa của tổ chức GR Japan.
Cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 đã thúc đẩy Nhật Bản xây dựng chiến lược Chuyển đổi Xanh (GX) đầy tham vọng. Sáng kiến này nhằm tái cấu trúc nền kinh tế và công nghiệp, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai dựa trên năng lượng sạch. Được hỗ trợ bởi khoản đầu tư công- tư ước tính lên tới 150 nghìn tỷ yên (khoảng 1 nghìn tỷ USD) trong vòng một thập kỷ, chiến lược GX hướng đến sự cân bằng giữa giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế.
Chính sách GX của Nhật Bản đã có những bước phát triển đáng chú ý kể từ năm 2020 khi chính phủ của cựu Thủ tướng Yoshihide Suga công bố cam kết trung hòa carbon. Năm 2022, các cuộc thảo luận tại Hội nghị Triển khai GX đã tạo nền tảng cho Chính sách Cơ bản về việc đạt được GX, chính sách này sau đó được thông qua vào tháng 2/2023.
Tháng 5/2023, nước này ban hành Luật Thúc đẩy GX, hợp nhất các biện pháp quy định và tài chính nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Một cột mốc quan trọng là việc ra mắt hệ thống giao dịch phát thải quốc gia đầu tiên của Nhật Bản (GX-ETS) vào năm 2023. Trước đó, Nhật Bản chỉ có các sáng kiến giao dịch carbon thử nghiệm, như Chương trình giao dịch phát thải tự nguyện Nhật Bản (JVETS) và các chương trình giới hạn và giao dịch tại Tokyo và Saitama.
ĐỊNH GIÁ CARBON TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG
Một trong những trụ cột trung tâm của chiến lược GX là việc triển khai định giá carbon hướng tới tăng trưởng bền vững. Khung chính sách này bao gồm 2 thành phần chính: Trái phiếu Chuyển đổi GX và một khoản thuế carbon được triển khai dần dần.
Trái phiếu Chuyển đổi GX được thiết kế để cung cấp hỗ trợ tài chính ban đầu cho các ngành công nghiệp đầu tư vào công nghệ giảm carbon và việc phát hành trái phiếu được đảm bảo bởi doanh thu từ việc định giá carbon trong tương lai. Thêm vào đó, thuế carbon sẽ được giới thiệu dần dần, bắt đầu có mức phí thấp đối với nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và sẽ được điều chỉnh tăng dần theo thời gian để khuyến khích giảm phát thải trên toàn ngành.

Chính phủ Nhật Bản đang triển khai chiến lược Chuyển Đổi Xanh (GX) để hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải và xây dựng nền kinh tế carbon thấp.
Hỗ trợ cho các biện pháp này, hệ thống giao dịch phát thải của Nhật Bản (GX-ETS) đang được triển khai trong 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên (ra mắt vào năm 2023) là một khung tự nguyện để các doanh nghiệp đặt mục tiêu giảm phát thải và chịu sự xem xét từ các thị trường tài chính.
Đến năm 2026, hệ thống sẽ chuyển sang hoạt động đầy đủ, bao gồm các yêu cầu quy định về giảm phát thải. Đến năm 2033, Nhật Bản dự định triển khai hệ thống đấu giá trả phí cho hạn ngạch phát thải, tương tự như hệ thống ETS của Liên minh Châu Âu.
KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TƯ NHÂN, TẬP TRUNG ĐẦU TƯ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ VÀ DOANH NGHIỆP
Để thúc đẩy và khuyến khích đầu tư tư nhân vào GX, chính phủ Nhật Bản thiết lập các mục tiêu, cam kết dài hạn như một công cụ khởi động, đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ thông qua việc tích hợp các cập nhật quy định và hỗ trợ có hệ thống. Các khoản hỗ trợ tài chính công sẽ được ưu tiên cho những lĩnh vực mà khu vực tư nhân khó có thể tự đầu tư, với mục tiêu không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp mà còn góp phần giảm phát thải.
Để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ Nhật Bản tập trung vào các khoản đầu tư cho đổi mới công nghệ và doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực có nhu cầu ngày càng tăng cả trong nước lẫn quốc tế. Các công nghệ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nâng cao hiệu quả kinh doanh sẽ được ưu tiên phát triển. Đồng thời, chính phủ sẽ thực hiện các khoản đầu tư vào phía cung ứng để hỗ trợ việc đưa các sản phẩm quan trọng vào thị trường toàn quốc.
Về giảm phát thải, chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ giúp giảm phát thải trong nước lâu dài. Các khoản đầu tư cũng sẽ được tập trung vào các thiết bị giúp giảm trực tiếp phát thải, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chủ chốt nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải bền vững trên phạm vi toàn quốc trong dài hạn.
CÁC PHƯƠNG THỨC TÀI TRỢ SÁNG TẠO
Chính phủ Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ chuyển đổi để tối đa hóa việc giảm phát thải, bởi vì không phải quốc gia, khu vực hay ngành công nghiệp nào cũng có thể đồng thời giảm carbon về cả công nghệ lẫn chi phí.
Mặc dù xu hướng toàn cầu đang yêu cầu công bố thông tin về khí nhà kính (GHG) và rút vốn khỏi các nguồn phát thải lớn nhưng việc rút vốn này lại có thể cản trở nỗ lực giảm carbon ở những ngành công nghiệp khó giảm phát thải.
Bên cạnh đó, nhu cầu năng lượng ở Châu Á đang gia tăng mạnh mẽ do sự phát triển dân số và kinh tế trong khi nguồn năng lượng tái tạo và công suất lại có hạn, đặc biệt so với các khu vực như Châu Âu và Châu Phi. Tài chính chuyển đổi là một phương thức tài chính mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện những thay đổi dài hạn để trở thành trung hòa carbon.
Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy tài chính chuyển đổi thông qua việc phổ biến các công nghệ thành công và mở rộng thị trường tại Châu Á; phát triển tài liệu hướng dẫn tài chính chuyển đổi phù hợp với điều kiện tại Châu Á, đồng thời thừa nhận sự gia tăng phát thải trong ngắn hạn để đạt được mục tiêu giảm carbon lâu dài; và mở rộng hỗ trợ đầu tư cho các công nghệ và dự án chuyển đổi như amonia, LNG và CCUS.
XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG KHÔNG PHÁT THẢI CHÂU Á (AZEC)
Ở cấp độ quốc tế, Nhật Bản đang thúc đẩy sự phát triển của các thị trường xanh toàn cầu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm xanh như thép xanh, nhựa xanh, nhiên liệu trung hòa carbon (CNF) và bơm nhiệt công nghiệp thông qua việc thiết lập các định nghĩa quốc tế, khung pháp lý và tiêu chuẩn đánh giá.
Đồng thời, Nhật Bản khuyến khích sự công nhận tích cực đối với lượng phát thải đã được giảm thiểu bởi các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực hợp tác đổi mới, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các cuộc thảo luận trong những công nghệ mà nước này có lợi thế, như công nghệ loại bỏ carbon dioxide (CDR) và các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo. Điều này được thực hiện thông qua hợp tác song phương Mỹ- Nhật và các đối tác quốc tế khác.

Khu nghiên cứu năng lượng hydro Fukushima (FH2R), tại thị trấn Namie thuộc tỉnh Fukushima (Nhật Bản) là một trong những cơ sở sản xuất hydro từ nguồn tài nguyên tái tạo lớn nhất thế giới.
Ở cấp độ châu Á, nhận thức được những thách thức khu vực trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Nhật Bản đang dẫn đầu sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC). Khung hợp tác quốc tế này nhằm thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp năng lượng sạch trên khắp châu Á thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính và phối hợp chính sách.
Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Châu Á (AETI) là một thành phần quan trọng trong nỗ lực này, cung cấp 10 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo, thu giữ carbon và hạ tầng hydro.
Thêm vào đó, Cơ chế Tín dụng Chung (JCM) của Nhật Bản đang được mở rộng để 29 quốc gia đối tác tính đến năm 2025, tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực giảm carbon xuyên biên giới. Việt Nam đã tham gia vào cơ chế này vào tháng 7/2013.
PHÁT TRIỂN LIÊN MINH GX
Liên minh GX, được thành lập vào tháng 4/2022, là mạng lưới gồm hơn 550 công ty Nhật Bản, chiếm 40% tổng lượng phát thải của cả nước, cam kết giảm phát thải với các mục tiêu rõ ràng cho năm 2030 và lộ trình đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Liên minh này đặt mục tiêu dẫn dắt quá trình giảm phát thải trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy tạo ra các thị trường xanh thông qua việc mua sắm xanh.
Ban điều hành Liên minh GX bao gồm các quan chức từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), cùng các đại diện từ Viện Nghiên cứu Nomura (NRI) và Hakuhodo- công ty quảng cáo lớn thứ hai Nhật Bản. Một Nhóm công tác doanh nghiệp đã được thành lập nhằm thúc đẩy việc tạo lập thị trường và xây dựng các quy định cho kinh doanh xanh, trong đó có việc phát triển hệ thống chứng nhận.
Liên minh GX sẽ được thử nghiệm như hệ thống giao dịch phát thải đầu tiên của Nhật Bản, hoạt động như một thị trường trao đổi tự nguyện để giao dịch tín chỉ carbon với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2023) giảm phát thải tự nguyện quan trọng; Giai đoạn 2 (2026) khởi động giao dịch phát thải, với việc giảm phát thải bắt buộc và các mục tiêu đã được chỉ định, kèm theo quy định “tuân thủ hoặc giải thích” và Giai đoạn 3 (2030) tổ chức đấu giá quyền phát thải.
THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG XANH, PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM XANH, THỊ TRƯỜNG XANH
Kế hoạch GX đặt ra các mục tiêu và chính sách chính trong nhiều lĩnh vực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Trong lĩnh vực năng lượng, kế hoạch hướng đến việc đạt 36-38% năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2030, lắp đặt 10GW điện gió ngoài khơi và 104-118GW điện mặt trời, và khởi động lại năng lượng hạt nhân với mục tiêu chiếm 20-22% cơ cấu năng lượng.
Ngoài ra, kế hoạch cũng nhằm thiết lập các trường hợp thành công về đốt kết hợp amoniac/hydro vào năm 2024, hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng từ năm 2025, và giảm chi phí vào năm 2030.

Nhật Bản đầu tư mạnh vào các công nghệ đột phá như năng lượng tái tạo và công nghệ hydrogen để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, kế hoạch đặt mục tiêu đạt 100% xe điện (EV) và xe lai (HEV) vào năm 2035 cho doanh số bán xe tư nhân mới và 20-30% xe điện trong doanh số bán xe thương mại vào năm 2030. Cơ sở hạ tầng sạc điện sẽ được tăng cường với 150,000 trạm sạc EV (bao gồm 30,000 trạm sạc nhanh) và 1,000 trạm hydro vào năm 2030.
Ngành vận tải biển sẽ cắt giảm 1.8 triệu tấn CO2 thông qua việc giới thiệu tàu chạy bằng amoniac/hydro, và nhiên liệu trung tính carbon sẽ được áp dụng cho ngành vận tải biển và hàng không vào năm 2050.
Trong lĩnh vực công nghiệp, kế hoạch đặt mục tiêu mở rộng cung cấp thép xanh lên 10 triệu tấn và xi măng trung tính carbon lên 2 triệu tấn vào năm 2030, đồng thời cắt giảm 30% lượng phát thải CO2 trong ngành thép so với mức năm 2013.
Ngoài ra, Nhật Bản đang thúc đẩy các thực hành xây dựng xanh thông qua sáng kiến Nhà ở carbon âm vòng đời (LCCM), nhằm hấp thụ 5,6 triệu tấn CO2 thông qua việc tối ưu hóa vật liệu xây dựng và hiệu quả năng lượng.
Trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch bao gồm hướng dẫn chính sách và quy định để mở rộng tài chính hỗn hợp, thúc đẩy công bố thông tin liên quan đến khí hậu dựa trên các khuyến nghị của Hội đồng Chuẩn mực báo cáo bền vững quốc tế (ISSB) và Lực lượng Đặc nhiệm về công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) và thúc đẩy kết nối các dự án giảm phát thải thông qua Cơ chế Đối tác toàn cầu về giảm phát thải (JCM Global Match).
Trong 10 năm tới, Kế hoạch GX của Nhật Bản sẽ tập trung vào hỗ trợ đầu tư công-tư, thúc đẩy công nghệ mới và tăng cường quy định để khử carbon. Từ năm 2023, thị trường giao dịch phát thải đã hoạt động đầy đủ, cùng với việc áp dụng phí carbon và phát hành trái phiếu chuyển đổi GX.
Các phương pháp tài chính mới như tài chính hỗn hợp sẽ được triển khai để hỗ trợ thị trường bền vững. Về chiến lược quốc tế, kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tại châu Á thông qua sáng kiến AZEC và hợp tác toàn cầu để hình thành thị trường xanh.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/5-sang-kien-dot-pha-thuc-day-chuyen-doi-xanh-cua-nhat-ban.htm