5 tác động từ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí và tổn thất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hóa.

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hàng không trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh các giải pháp khác, việc sử dụng công cụ thuế (trong đó có việc miễn, giảm thuế) cũng là một biện pháp để Chính phủ hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần giúp ngành hàng không duy trì được hoạt động kinh doanh.

Thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu máy bay nếu được giảm sâu sẽ là một khoản hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tài chính do ảnh hưởng bởi dịch. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, góp phần giảm giá thành các dịch vụ hàng không, từ đó kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, góp phần vực dậy ngành vận tải hàng không khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Cũng theo Bộ Tài chính thông tin, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính nêu ra 5 điểm chính.

Thứ nhất, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường.

Thứ 2, đối với nền kinh tế, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19 cho ngành hàng không.

Thứ 3, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập. Bên cạnh vai trò chính là huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải thì ngành hàng không còn góp phần thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác. Do đó, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, phát triển trong tương lai, góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...

Thứ 4, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp vận hành hoạt động, từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động. Về lâu dài, khi ngành hàng không vượt qua khủng hoảng và phát triển thì có thể lượng lao động trong ngành hàng không sẽ tăng lên.

Thứ 5, riêng với ngân sách nhà nước, việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020, giảm 900 đồng/lít, thuế GTGT cũng giảm tương ứng 10% mức giảm thuế bảo vệ môi trường là 90 đồng/lít. Khi đó, số thu bảo vệ môi trường giảm khoảng 72 - 80 tỉ đồng/tháng.

Trên cơ sở đó, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu máy bay nếu được giảm sâu sẽ là một khoản hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính hiện nay do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, doanh thu năm 2021 của các hãng tiếp tục giảm nặng nề so với năm 2020 và có thể sụt giảm đến hơn 65% doanh thu so với năm 2019.

Mặt khác, dòng tiền hoạt động của các hãng hàng không bị thiếu hụt nghiêm trọng, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của các hãng lên tới 50.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, việc phục hồi nền kinh tế và việc đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Khi đó, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ở mức cao sẽ là “liều thuốc” giúp doanh nghiệp và ngành hàng không tiếp tục gắng gượng và tạo đà để hồi phục, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/5-tac-dong-tu-viec-dieu-chinh-thue-bao-ve-moi-truong-voi-nhien-lieu-bay-62104.html