5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đường tăng đột biến từ các nước ASEAN
Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, 5 tháng đầu năm 2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến so với cùng kỳ từ các nước ASEAN.
Nhập khẩu tăng mạnh từ các nước ASEAN
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar) vào Việt Nam đã tăng đáng kể so với cùng kỳ.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đường từ Campuchia tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đường từ Indonesia tăng 304%; nhập khẩu đường từ Lào tăng 176%; nhập khẩu đường từ Malaysia tăng 209%; nhập khẩu đường từ Myanmar tăng 64%.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến so với cùng kỳ (tăng 169%) từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam và các nước nêu trên trong cùng thời gian đã gia tăng nhập khẩu đường từ Thái Lan.
Cùng với nguồn cung nhập khẩu từ thị trường các nước ASEAN, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, trong tháng 6/2022 các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh và đường lậu tiếp tục thống trị thị trường, khiến cho đường làm từ mía rất khó tiêu thụ.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam dẫn chứng, Công an huyện Mộc Hóa ngày 10/6/2022 thông tin về lô hàng hóa 700 bao đường tinh luyện được sản xuất ngày 1/2/2022 tại nhà máy Baanrai Sugar Iindustry Co., LTD, địa chỉ 88 Moo 12, Tubluang District, Amphur Banrai Uthaitani 61140, Thái Lan đang trên đường đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên hàng hóa lưu thông trên thị trường không có nhãn phụ và chủ hàng không xuất trình được tờ khai nhập khẩu.
Còn tại Quảng Trị, đêm ngày 10 rạng sáng 11/6, qua công tác nắm địa bàn, lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát hiện các đối tượng lợi dụng trời mưa dông để vận chuyển một lượng lớn đường cát trắng nhập lậu trái phép.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, trong nửa đầu tháng 6/2022, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào đang tràn vào, cộng với đường từ vụ ép 2021/22 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu. Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường nhập lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.
Nửa cuối tháng 6/2022, tại một số địa phương trong nước xuất hiện thời tiết nắng nóng, thông thường các năm trước là yếu tố hỗ trợ cho việc gia tăng tiêu thụ đường của các nhà máy. Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện của khối lượng lớn đường nhập lậu, đường và chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp. Các nhà máy dù có nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp, nhưng cũng không đẩy được sản lượng tiêu thụ.
Sự bế tắc đầu ra tháng thứ 5 liên tục đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các loại vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại.
Trước tình trạng này, ngày 13/6/2022 Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu hủy diệt ngành đường Việt Nam. “Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại và rất nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được phát hiện tại hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, tất cả các vụ việc phát hiện cho đến nay chỉ được xử lý hành chính và hầu như không có tác dụng răn đe khiến hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát cuối từ tháng 12/2021 cho đến nay vẫn chưa giảm nhiệt”, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.
Giá đường Việt Nam vẫn ở mức thấp
Ngày 27/6/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BCT quy định về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá.
Theo đó, Bộ Công Thương công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bằng phân giao theo phương thức đấu giá sau khi nhận được văn bản thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định về lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường, căn cứ vào diễn biến tình hình cung cầu mặt hàng đường tại từng thời điểm. Bộ Công Thương xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá trên cơ sở trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.
Trước đó, ngày 16/5/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7/2022.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá, việc triển khai thực hiện Thông tư số 11/2022/TT-BCT và Quyết định số 943/QĐ-BCT trong tháng 7/2022 sẽ có tác động lớn đến thị trường đường trong thời gian sắp đến.
Tuy nhiên, các nguồn cung hiện đang dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 7/2022 và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới. Giá đường tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung Quốc, Indonesia, Philippines).
Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Trong tháng 6/2022 các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021/22. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7.523.728 tấn mía, sản xuất được 741,666 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020/21 cho thấy sự tăng trưởng với sản lượng mía ép đạt 111,63% và sản lượng đường đạt 107,51%.
Nguyễn Hạnh