5 thói quen ăn uống âm thầm 'bức tử' dạ dày

Ăn quá nhanh, sử dụng điện thoại khi ăn là những thói quen ăn uống phổ biến gây hại cho dạ dày.

 Thói quen ăn uống có tác động trực tiếp lên dạ dày. Ảnh: Freepik.

Thói quen ăn uống có tác động trực tiếp lên dạ dày. Ảnh: Freepik.

Thói quen ăn uống là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe dạ dày. Việc ăn uống không khoa học không chỉ gây đau, viêm loét mà còn có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

Dưới đây là 5 thói quen phổ biến được các chuyên gia khuyến cáo cần loại bỏ ngay để giữ cho dạ dày khỏe mạnh.

Ăn quá nhanh

Khi ăn quá nhanh, cơ thể không kịp truyền tín hiệu cho não rằng bạn đã no, dễ dẫn đến việc ăn nhiều hơn mức cần thiết. Đồng thời, thức ăn không được nhai kỹ sẽ xuống dạ dày ở dạng thô, chưa được nghiền nhỏ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.

Thức ăn khó tiêu hóa kéo dài thời gian lưu lại trong dạ dày, khiến niêm mạc dễ bị tổn thương do axit dạ dày tiết ra nhiều hơn để xử lý thức ăn. Lâu dần, thói quen này có thể dẫn đến viêm loét và các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng khác.

Ăn quá nhiều hoặc quá ít

Thói quen ăn quá nhiều hoặc quá ít đều gây hại cho dạ dày. Khi ăn quá ít, axit hydrochloric cùng các chất xúc tác trong dạ dày sẽ được tiết ra với nồng độ cao, gây hiện tượng tự tiêu hóa niêm mạc dạ dày. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến viêm loét dạ dày.

Ngược lại, ăn quá nhiều khiến vỏ dạ dày giãn ra quá mức, làm tổn thương cơ chế tự bảo vệ của cơ quan này. Thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn, khiến dịch vị phải tiết ra liên tục để tiêu hóa. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ đau dạ dày mà còn gây khó tiêu, trào ngược axit.

 Thói quen ăn cay thường xuyên còn làm mất cân bằng môi trường axit trong dạ dày, gây viêm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tiêu hóa. Ảnh: Pexels.

Thói quen ăn cay thường xuyên còn làm mất cân bằng môi trường axit trong dạ dày, gây viêm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tiêu hóa. Ảnh: Pexels.

Ăn trước khi đi ngủ

Theo Every Well Health, ăn trước khi ngủ có thể gây ra các vấn đề như trào ngược dạ dày, khó tiêu, và thậm chí loét dạ dày. Lý do là vào buổi tối, hệ tiêu hóa cần được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc.Khi ăn khuya, đường ruột và dạ dày phải tiếp tục hoạt động, dẫn đến dịch vị tiết ra quá mức, ăn mòn niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, tư thế nằm sau khi ăn cũng làm gia tăng nguy cơ trào ngược axit, gây cảm giác nóng rát và khó chịu.

Ăn quá cay

Capsaicin, hợp chất tạo vị cay trong ớt, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, thực quản và ruột, dẫn đến sưng tấy, theo Healthline. Đối với những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét, việc ăn cay có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, thói quen ăn cay thường xuyên còn làm mất cân bằng môi trường axit trong dạ dày, gây viêm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tiêu hóa.

Dùng điện thoại khi ăn

Ít ai ngờ thói quen lướt điện thoại trong bữa ăn cũng là yếu tố gây hại cho dạ dày. Khi tập trung vào điện thoại, bạn dễ ăn nhiều hơn mà không kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

Việc này ảnh hưởng đến quá trình tiết axit và enzym tiêu hóa, khiến thức ăn không được xử lý hiệu quả. Hơn nữa, việc ăn uống thiếu tập trung còn làm chậm quá trình tiêu hóa, gây áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa.

Để bảo vệ sức khỏe dạ dày, mỗi người cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học, nhai kỹ khi ăn, ăn uống đúng giờ, và tránh xa các yếu tố gây hại như căng thẳng hoặc sử dụng đồ uống có cồn quá mức. Dạ dày là cơ quan quan trọng và việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp bạn duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh lâu dài.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/5-thoi-quen-an-uong-gay-tan-pha-da-day-post1520578.html