Cảnh báo tác hại dùng bột hạt sang để chữa bệnh dạ dày, đại tràng
Kết quả phân tích các mẫu nguyên hạt và sản phẩm đã xay nghiền từ hạt sang đều có chứa hai hoạt chất là Strychnin và Brucin, đây là hoạt chất có trong cây mã tiền, thuộc danh mục dược liệu có độc.
Sở Y tế Thanh Hóa vừa phát thông tin cảnh báo gửi tới người dân các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mua bán, sử dụng sản phẩm từ hạt sang.
Theo đó, vừa qua, Sở Y tế nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai về trường hợp bệnh nhân có địa chỉ tại huyện Hậu Lộc bị ngộ độc nặng sau khi dùng bột hạt sang được lấy từ cơ sở xay nghiền bột của người nhà. Qua kiểm tra, rà soát của Sở Y tế tại huyện Hậu Lộc, hiện nay nhu cầu sử dụng hạt sang tăng nhanh (vì thông tin được lan truyền là có tác dụng chữa bệnh dạ dày, đại tràng…) nên một số cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện mua hạt sang về nghiền, chế biến và bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh qua nhiều phương thức (chủ yếu là online).
Theo các tài liệu y học cho thấy, chưa có đủ cơ sở khoa học chứng minh hạt sang có tác dụng điều trị bệnh dạ dày, đại tràng. Kết quả phân tích do Sở Y tế thu thập được từ mẫu nguyên hạt và sản phẩm đã xay nghiền từ hạt sang tại một số cơ sở xay nghiền bột trên địa bàn huyện Hậu Lộc đều có chứa hai hoạt chất là Strychnin và Brucin. Đây là hoạt chất có trong cây mã tiền, thuộc danh mục dược liệu có độc (hạt mã tiền sống thuộc nhóm độc bảng A, hạt mã tiền đã bào chế thuốc nhóm độc bảng B).
Việc sản xuất, lưu hành, sử dụng dược liệu làm thuốc phải được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn, được chỉ định bởi người có đủ bằng cấp và chứng chỉ hành nghề theo quy định. Vì vậy việc sản xuất bào chế, kinh doanh, mua bán các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, chế biến từ hạt sang để quảng cáo công dụng, bán cho người sử dụng như thuốc để điều trị bệnh dạ dày, đại tràng là không đúng quy định của pháp luật.
Để đảm bảo sức khỏe người dân, an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân không sử dụng sản phẩm trôi nổi từ hạt sang, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến (xay nghiền các loại hạt…) trên địa bàn không tham gia sản xuất chế biến, kinh doanh sản phẩm từ hạt sang với mục đích chữa bệnh.
Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận trường hợp 1 bệnh nhân bị ngộ độc Strychnin sau khi uống một loại thuốc bột không rõ nguồn gốc để chữa bệnh dạ dày.
Bệnh nhân là nữ (67 tuổi, ở Hậu Lộc, Thanh Hóa), có tiền sử viêm dạ dày. Khoảng 17h ngày 28/12, bệnh nhân có uống 2 thìa (thìa ăn cơm) bột hạt sang với mục đích để chữa bệnh dạ dày. Đến khoảng 17h44, trong lúc đang ăn cơm bệnh nhân xuất hiện co giật, khởi đầu là tay trái, sau tăng dần co giật toàn thân. Trong cơn co giật bệnh nhân tỉnh, gọi người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương.
Khi đến bệnh viện, bệnh nhân trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim, được cấp cứu khoảng 20 phút thì có lại tuần hoàn. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển sang một bệnh viện khác để điều trị. Tại đây, bệnh nhân vẫn xuất hiện nhiều cơn có giật toàn thân, kéo dài 2-3 phút, tình trạng không cải thiện.
Ngày 29/12, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc của BV Bạch Mai để được tiếp tục điều trị. Tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán theo dõi ngộ độc Strychnin.
Theo Ths.Bs. Nguyễn Tiến Đạt - Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, chất độc Strychnin có trong hạt mã tiền. Loại hạt này có hình dạng, màu sắc rất giống với hạt sang. Rất có thể khi chế biến hạt sang với mục đích chữa bệnh dạ dày, hạt mã tiền đã bị lẫn vào, sau đó bệnh nhân uống nhầm.
"Các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy, trong người bệnh nhân có chất độc Strychnin. Xét nghiệm loại bột bệnh nhân uống cũng cho kết quả có chứa chất này. Khi uống phải Strychnin, sẽ kích thích tủy sống gây co giật, sau đó dẫn đến suy hô hấp, tiêu cơ vân, ngừng tim.... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ tử vong nhanh chóng", Ths.Bs. Nguyễn Tiến Đạt thông tin.