5 thói quen ảnh hưởng xấu đến cột sống

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống.

Ngoài nguyên nhân do quá trình thoái hóa tự nhiên diễn ra, thì phần lớn bệnh lý phát sinh là do những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày làm ảnh hưởng xấu đến cột sống.

Dưới đây là một số thói quen ảnh hưởng xấu đến cột sống cần phải tránh:

Ngồi sai tư thế

Ngồi nhiều, lười vận động, ngồi cúi khom người, ngồi xổm hay ngồi bắt chéo chân, rướn người về phía trước là nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa cột sống, cong vẹo cột sống mà đôi khi ta không ngờ tới.

Ở trẻ em, tư thế ngồi học sai ảnh hưởng rất lớn tới cột sống. Học sinh thường có xu hướng ngồi lệch sang một bên khi nghe giảng, viết bài, tư thế này diễn ra trong thời gian dài dễ gây ra hiện tượng cong vẹo cột sống, gù lưng, cận thị...

Bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh: Bàn ghế tại trường thường không thể thiết kế riêng biệt cho từng em học sinh, do vậy có những em quá cao, hoặc quá thấp so với độ cao của bàn học.

Chấn thương cột sống có thể do tập thể thao không đúng cách

Chấn thương cột sống có thể do tập thể thao không đúng cách

Chấn thương cột sống do tập thể thao không đúng cách

Tập thể thao là một thói quen rất tốt với mọi lứa tuổi. Bất cứ môn thể thao đòi hỏi sự vận động linh hoạt cũng đều có thể dẫn tới chấn thương cột sống lưng nếu bỏ qua bước khởi động hoặc thực hiện sai các động tác vặn xoay hoặc gập lưng quá mức dẫn đến chấn thương cột sống.

Đặc biệt, với hệ xương đang trong giai đoạn phát triển của lứa tuổi thanh thiếu niên, sẽ dễ gặp chấn thương nếu tập thể thao không đúng cách. Các bài tập, động tác nặng được lặp lại nhiều lần sẽ tạo áp lực làm cột sống bị cong nhiều hơn.

Đi giày không thoải mái

Đau lưng cũng có thể là do bạn đi giày không thoải mái. Nhiều bạn nữ rất thích giày cao gót giúp tăng chiều cao cơ thể, tạo dáng đẹp. Tuy nhiên, khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót lâm vào tình trạng căng giãn quá mức nên rất dễ đau và mỏi. Triệu chứng sẽ là đau lưng, đau bắp chân hay đau phần trên của gót chân. Khi các nhóm cơ làm việc quá tải sẽ yếu, không giữ vững được các cấu trúc như cột sống, khớp gối, cổ chân dễ gây chấn thương do té ngã và tổn hại đến hệ khớp.

Bằng việc nâng cao gót chân, toàn bộ trọng lượng cơ thể bình thường chịu lực qua xương gót to và dày thì lại chuyển qua trên xương bàn và các ngón chân vốn dĩ mỏng hơn và nhỏ hơn. Nghiên cứu cho thấy độ cao của đế giày cứ tăng mỗi 2,5cm thì áp lực lên bàn chân trước tăng 22-25%. Do đó mang giày cao 7cm, áp lực xương bàn phải chịu là 175% mức bình thường. Việc này rất dễ gây thoái hóa khớp bàn ngón, nhất là ngón cái.

Mũi giày càng nhỏ hẹp sẽ ép các ngón chân lại với nhau gây vẹo ngón cái ra ngoài, lâu ngày gây biến dạng ngón cái và các ngón khác. Ngoài ra, việc ép các ngón chân ở mũi giày gây chèn ép, tổn thương các nhánh thần kinh gây đau hay phì đại các nhánh thần kinh vùng bàn chân.

Vì thế hãy giảm căng thẳng trên đôi chân của mình bằng cách chọn một đôi giày chất lượng tốt, vừa vặn với bàn chân để không phải khiến bạn gồng người lên để giữ nó. Không nên chọn đế quá cao, phần mũi giày không nên ép các ngón chân quá chật, chất liệu da giày nên mềm mại và không gây kích ứng. Hãy đi tất để giảm ma sát và khó chịu.

Sử dụng điện thoại di động quá nhiều

Sử dụng điện thoại di động nhiều trong thời gian dài ảnh hưởng đến xương khớp.

Sử dụng điện thoại di động nhiều trong thời gian dài ảnh hưởng đến xương khớp.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng sử dụng điện thoại di động trung bình 2-4 giờ một ngày có nghĩa là cổ của chúng ta bị cong khoảng thời gian từ 700-1.400 giờ một năm.

Tất nhiên, không thể chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng công nghệ nhưng chúng ta ít nhất cũng có thể chú ý đến cách định vị cơ thể mình mỗi khi dùng chúng. Có thể kiểm soát tư thế của mình khi sử dụng điện thoại, ví dụ như không cúi đầu liên tục để "dán mắt" vào màn hình.

Lười vận động

Lười vận động là một trong những thói quen xấu gây hại cho xương khớp trong đó có cột sống. Theo một số nghiên cứu khoa học nhận thấy Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ người lười vận động nhất trên thế giới. Thói quen lười vận động sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: tim mạch, tiểu đường, béo phì, đặc biệt là các bệnh về xương khớp như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống…
Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút thực hiện những bài tập thể dục đơn giản, không chỉ rất hữu ích cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe như: Bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, võ thuật, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh, Yoga…

BS.CKI Vũ Xuân Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-thoi-quen-anh-huong-xau-den-cot-song-169241215104809257.htm