5 tỉnh nào có mức sinh thấp nhất cả nước?

Sau sáp nhập, 13/34 tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh < 2,1 con/phụ nữ). Trong đó, 5 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước (tổng tỷ suất sinh từ 1,43 con/phụ nữ đến 1,60 con/phụ nữ).

5 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước

Theo tính toán của Cục Thống kê, Bộ Tài chính về số liệu liên quan đến chỉ tiêu mức sinh (tổng tỷ suất sinh) của 34 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp năm 2024 có sự thay đổi ở một số tỉnh mới sáp nhập. Đây là một chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030 và có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội quốc gia.

Theo nguồn số liệu công bố, tổng tỷ suất sinh (TFR) năm 2024 của 34 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp như sau:

Cụ thể, 13/34 tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế (TFR < 2,1 con/phụ nữ). Trong đó, 5 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước là: TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau và Vĩnh Long (TFR từ 1,43 con/phụ nữ đến 1,60 con/phụ nữ).

Riêng TP HCM sau sáp nhập TP HCM, Bình Dương và Vũng Tàu vẫn là địa phương có mức sinh thấp nhất nước với 1,43 con/phụ nữ. Tiếp đó là Tây Ninh (nhập Long An và Tây Ninh) có mức sinh 1,52 con/phụ nữ; Cần Thơ (nhập Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ) mức sinh 1,55 con/phụ nữ.

Địa phương duy nhất ở khu vực phía Bắc có mức sinh thấp dưới 2 con là Hà Nội (1,86 con/phụ nữ), tiếp tục giảm 0,02 con/phụ nữ so với năm 2023. Đây là mức sinh thấp nhất tại thủ đô trong lịch sử.

3/34 tỉnh có mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ). Trong đó Điện Biên mức sinh cao nhất cả nước với 2,6 con/phụ nữ. Còn Tuyên Quang (nhập Hà Giang và Tuyên Quang), Lào Cai (nhập Yên Bái và Lào Cai) là hai tỉnh xếp thứ 2 và 3 về mức sinh, lần lượt 2,55 và 2,5 con/phụ nữ. Trước sáp nhập, đây cũng là những địa phương có mức sinh cao.

18/34 tỉnh có tổng tỷ suất sinh đạt mức sinh thay thế đến dưới mức sinh cao (TFR từ 2,1 con/phụ nữ đến dưới 2,5 con/phụ nữ).

Mức sinh của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Ảnh: Cục Thống kê)

Mức sinh của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Ảnh: Cục Thống kê)

Đề xuất có chế độ ưu đãi khi sinh con

Theo Bộ Y tế, mức sinh của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, nằm trong top 5 nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. So với mức trung bình khu vực (2,0 con/phụ nữ), Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1,0 con/phụ nữ).

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới và công bố Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2025 tổ chức ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để ứng phó với các xu thế mới, Bộ Y tế đang tích cực hoàn thiện Luật Dân số mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035. Mục tiêu là đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và bình đẳng cho mọi người dân, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển bền vững.

Cơ quan này đang đề xuất trong dự thảo Luật Dân số trình Chính phủ để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) có một số nội dung như ưu đãi về chế độ nghỉ thai sản; hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi sinh con; hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con khi sàng lọc trước sinh và sơ sinh; ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và các hỗ trợ khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất ưu đãi tài chính hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật với gia đình sinh con một bề, có hai con gái; quy định các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh phù hợp với mỗi địa phương và cả nước.

Xây dựng và phát triển cơ sở hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi như cấp học bổng, học phí người học chuyên ngành lão khoa tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.

Quy định các biện pháp thực hiện việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đối với nam, nữ; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, các biện pháp, chính sách hỗ trợ khác để thực hiện việc duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Bộ Y tế đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ cho phụ nữ trong quá trình mang thai và sinh con (Ảnh minh họa)

Bộ Y tế đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ cho phụ nữ trong quá trình mang thai và sinh con (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi các Ban, Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác dân số, nhất là trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp đang có những điều chỉnh về tổ chức.

Đồng thời, bà bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế, các tổ chức Liên Hợp Quốc và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, để Việt Nam ứng phó hiệu quả với xu thế mức sinh thấp, già hóa dân số nhanh và bảo vệ quyền sinh sản của mọi người dân.

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/5-tinh-nao-co-muc-sinh-thap-nhat-ca-nuoc-d207023.html