5 triệu cây giống phủ xanh miền Trung giúp dân thoát nghèo

Thấu hiểu cái nghèo bao bọc người dân miền Trung, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức, tác giả bức tranh nổi tiếng 'Vỏ Tương Lai' (Cover of Future), Giám đốc Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh đã phối hợp tổ chức chương trình hòa nhạc, đấu giá tranh gây quỹ 'Chung tay trồng rừng Việt Nam' với mục tiêu trồng mới ít nhất 5 triệu cây xanh cho các tỉnh khu vực miền Trung.

Bàn giao 170 nghìn cây giống cho người dân Phú Yên

Bàn giao 170 nghìn cây giống cho người dân Phú Yên

Mục tiêu trồng 5 triệu cây xanh

Mùa hè năm nay, từ Thanh Hóa tới Phú Yên đã xảy ra tình trạng nắng nóng bất thường kéo dài 30 ngày liên tục không có mưa, nền nhiệt luôn ở mức cao từ 37 - 39 độ C, có nhiều nơi trên 40 độ C kèm theo gió Lào thổi mạnh cấp 6 – 7.

Do vậy, đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, cháy thảm cỏ thực bì và cây bụi. Cao điểm cháy rừng xảy ra từ ngày 26 - 30/6/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Phú Yên đã có hàng trăm điểm phát cháy. Theo thống kê sơ bộ diện tích rừng bị cháy do hỏa hoạn và hạn hán ước tính khoảng 3.000 ha, trong đó nhiều khu rừng phòng hộ bị thiêu rụi hoàn toàn.

Xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương có hơn 2.400 héc ta rừng, trong đó có khoảng 1.000 ha rừng tái sinh. Đợt cháy rừng tại 9 tỉnh Miền Trung, xã Thanh Xuân bị thiệt hại khá nhiều. Có nhiều gia đình toàn bộ diện tích trồng rừng bị thiệt hại hoàn toàn, thiệt hại nặng nề về kinh tế, rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cây giống trồng rừng khan hiếm và giá cây giống tăng đột biến do nhu cầu tăng cao. Do vậy, đợt hỗ trợ cây giống của Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mang lại niềm vui và sự xúc động rất nhiều của chính quyền và người dân Thanh Xuân.

Thấu hiểu cái nghèo bao bọc người dân miền Trung, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức, tác giả bức tranh nổi tiếng "Vỏ Tương Lai" (Cover of Future), Giám đốc Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh đã chọn giúp bà con thoát nghèo bằng cách trồng rừng.

Lễ phát động trồng rừng tại Thanh Xuân (Nghệ An)

Lễ phát động trồng rừng tại Thanh Xuân (Nghệ An)

Chính vì vậy, với sự bảo trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), được sự giúp đỡ, đồng hành từ các họa sĩ, các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và thế giới, vào ngày 15/9/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Trung tâm phát triển Thế giới thêm xanh, Local Art.net, phối hợp với Mạng xã hội Phật tử Butta.vn... tổ chức chương trình hòa nhạc, đấu giá tranh gây quỹ "Chung tay trồng rừng Việt Nam" với mục tiêu trồng mới ít nhất 5 triệu cây xanh cho các tỉnh khu vực miền Trung.

Đến nay, sau 3 tháng, hơn 1 triệu cây keo lai, sưa đỏ đã được Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuyển đến tận tay người dân nghèo các tỉnh miền Trung.

Trồng cây giúp dân thoát nghèo, bảo vệ môi trường

Trong cái lạnh buốt của sương sớm, rất nhiều người dân đã tập trung tại khuôn viên sân trường Tiểu học Đặng Thai Mai, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tiếng cười, tiếng nói rất vui của bà con đã cho thấy sự háo hức, niềm phấn khởi, vui mừng của người dân nơi đây như thế nào khi được nhận cây giống trồng rừng.

Chờ đến lượt mình nhận cây, cô Đặng Thị Huệ vui mừng chia sẻ: “Tôi nhận được 2.500 cây. Cây đẹp, ưng lắm, trồng chuẩn lắm. Đợt cháy rừng vừa rồi, gia đình bị cháy nhiều. Đợt hỗ trợ cây này sẽ giúp cho gia đình khôi phục lại kinh tế tốt hơn...”.

Còn anh Nguyễn Quang Hồi ở xã Thanh Xuân vô cùng xúc động, kể, gia đình có 2ha rừng, bị thiệt hại hoàn toàn trong đợt cháy rừng vừa qua. Vì vậy, khi được nhận 3 nghìn cây giống keo lai để trồng lại diện tích bị cháy, anh Hồi phấn khởi khoe: “Tôi được nhận 3 nghìn cây. Nhìn chung cây giống rất đẹp. Xin cảm ơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh. Tôi sẽ tiến hành trồng ngay để cây có thể sinh trưởng tốt nhất, nhanh đem lại nguồn thu kinh tế cho gia đình”.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Xuân nói: “Thời gian qua tại Thanh Xuân, thời tiết không ủng hộ lắm nên một số diện tích rừng không may bị cháy, cây rừng chết nhiều mà nhân dân thì còn nghèo. Đợt này được hỗ trợ cây giống là quá tốt, bà con rất phấn khởi”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức trao tặng cây giống cho nông dân

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức trao tặng cây giống cho nông dân

Đưa chúng tôi đến tận nơi người dân trồng rừng, được nhìn thấy niềm phấn khởi của người dân cuốc đất, trồng những cây keo vừa được hỗ trợ mới cảm nhận được, việc trồng rừng đối với bà con xã Thanh Xuân quan trọng như thế nào. Ông Nguyễn Tố Như, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân chia sẻ, đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại xã còn hơn 4%, so với làm nông nghiệp, trồng rừng đã giúp kinh tế người dân nơi đây phát triển bền vững hơn. Đợt nhận cây hỗ trợ này, chính quyền xã đã phối hợp với Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh và các Quý Thầy Giáo hội Phật giáo trao cây cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ gia đình có rừng bị thiệt hại trong đợt cháy rừng vừa qua.

"Trồng rừng có lợi thế rất nhiều về kinh tế, 1 ha trồng rừng sau 5 năm sẽ đem lại nguồn thu hơn 100 triệu, không thua gì làm nông nghiệp. Đợt hỗ trợ này, chúng tôi đã họp lại toàn bộ hộ dân, đặc biệt là những hộ dân có diện tích bị cháy do thiên tai hỏa hoạn. Người dân rất phấn khỏi và đồng loạt ra quân trồng rừng khoảng 40 ha trong đợt tặng cây giống này”, ông Như cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Đức cho biết: “Bao đời nay, người dân miền Trung quá khổ bởi thiên tai xảy ra quanh năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của từng gia đình. Do vậy, tôi chọn giải pháp hỗ trợ cây giống để bà con khôi phục kinh tế và qua đó cũng làm tốt cho môi trường. Khôi phục lại những cánh rừng bị thiệt hại do thiên tai và hỏa hoạn là việc không phải ngày một ngày hai, và để làm được điều này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi chúng ta, ngay bây giờ và lúc này hành động vì một Việt Nam xanh, vì trái đất xanh".

Tháng 12/2015, tại TP Huế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tôn giáo đã ký kết Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có thông điệp ủng hộ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 21 Paris. Thời gian qua, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh thực hiện trồng hàng trăm ngàn cây xanh tại các ngôi chùa, di tích lịch sử và các không gian văn hóa khác tại các tỉnh phía Bắc.

Trung tâm phát triển Thế giới thêm xanh là tổ chức phi lợi nhuận, chuyên về hoạt động bảo vệ môi trường do Trung tâm tập trung vào dự án “Hành động xanh cho Thế giới thêm xanh” – người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây để đem lại màu xanh cho trái đất, góp phần bảo vệ thiên nhiên, giảm thiểu tác hại của môi trường, mang lại bầu không khí trong lành của tự nhiên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/5-trieu-cay-giong-phu-xanh-mien-trung-giup-dan-thoat-ngheo-4052141-v.html