Phát triển công nghệ quản lý nhiều hồ đập xuống cấp
Các hồ chứa thủy lợi đang 'gánh' trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu như cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ... nhưng nhiều hồ hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Hàng loạt hồ đập cũ, hỏng và xuống cấp
Ngày 19/11, tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới", đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước có hơn 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3 nước.
Những hồ chứa này đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, đồng thời giúp giảm thiểu nguy cơ lũ lụt và phục vụ các mục tiêu phát triển khác như phát điện, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, hệ thống hồ đập ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Các hồ chứa thủy lợi đang "gánh" trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu như: Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch… Tuy nhiên, hệ thống hồ chứa của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức do biến đổi khí hậu và nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn về mất an toàn.
Vấn đề cấp bách nhất là sự xuống cấp của nhiều công trình đã được xây dựng từ trên 30 năm trước, trong khi các yếu tố môi trường và khí hậu ngày càng biến động mạnh.
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, hiện nay, các hồ chứa không chỉ phải đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, mà còn phải đối mặt với yêu cầu đa mục tiêu, chẳng hạn như phát điện và bảo vệ môi trường. Điều này đặt ra bài toán cần phải điều chỉnh phương án vận hành sao cho phù hợp với thực tế.
"Trong vận hành các hồ chứa, mục tiêu quan trọng là phải cân bằng giữa tích nước để phát điện, tưới, cấp nước sinh hoạt với việc đảm bảo an toàn công trình", ông Thành nêu vấn đề.
Ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, để đảm bảo an toàn hồ đập, cần có cơ sở khoa học vững chắc và quy trình vận hành phù hợp.
Ông Thắng nhấn mạnh, cần phải áp dụng những quy trình khoa học trong việc thu thập dữ liệu và dự báo để đảm bảo an toàn cho cả người dân và công trình thủy lợi. Ngoài ra phải nâng cao năng lực quản lý và giám sát. Đội ngũ cán bộ quản lý cần được đào tạo chuyên sâu về công tác quan trắc, phân tích số liệu và dự báo để phát hiện kịp thời các nguy cơ.
Ông cũng chia sẻ thêm: "Để đảm bảo hiệu quả tối ưu cho cả sử dụng nước và an toàn hồ, đập, chúng ta cần tiến tới vận hành theo thời gian thực, nhưng để thực hiện được điều này, phải có một thể chế rõ ràng và cơ sở khoa học vững mạnh".
Cần ứng dụng AI quản lý an toàn hồ đập
Liên quan đến giải pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi trong tình hình mới, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn.
"Việc xây dựng các công cụ hỗ trợ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, AI trong việc ra quyết định trong vận hành đập, hồ chứa là cần thiết để chủ động dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi và vùng hạ lưu… Vừa qua, ngành thủy lợi và cả nước đã trải qua cơn bão số 3. Nhờ sự chủ động thông báo thông tin cho chính quyền và người dân kịp thời, việc điều tiết lũ qua các công trình thủy điện, thủy lợi được đảm bảo, không để xảy ra thiệt hại về người", ông Lương Văn Anh chia sẻ.
Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cũng nhấn mạnh cần nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mưa bão cường độ cao hay sự dịch chuyển thời gian mưa. Các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.
Trong khi các chuyên gia và lãnh đạo ngành thủy lợi đều khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển công nghệ, thì một vấn đề không thể thiếu chính là việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức và cộng đồng vào công tác bảo vệ và vận hành an toàn hồ đập.
Nhìn chung, việc đảm bảo an toàn cho các hồ, đập thủy lợi và thủy điện không chỉ là một yêu cầu về kỹ thuật mà còn liên quan chặt chẽ đến việc quản lý, giám sát và trách nhiệm cộng đồng. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, các cơ quan chuyên môn và cộng đồng, chúng ta mới có thể đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, góp phần phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức của biến đổi khí hậu.