5 triệu thùng dầu Nga bị mắc kẹt trên đường tới Ấn Độ
Sáu tàu chở gần 5 triệu thùng dầu của Nga đã không tới được điểm đến ở Ấn Độ. Một số tàu lênh đênh cách bờ biển vài km trong nhiều tuần vẫn chưa được cập bến, Bloomberg đưa tin.
Bloomberg cho rằng các tàu chở dầu đang bị mắc kẹt do lệnh áp trần giá dầu Nga của G7, mặc dù điều này chưa được xác nhận.
Reuters đưa tin rằng nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ, Indian Oil Corp., đã mua một lô hàng dầu Sokol (Nga) giao hàng vào tháng 11. Vào thời điểm đó, hãng tin này cho biết họ phát tín hiệu rằng sản lượng từ dự án Sakhalin-1 của Nga có khả năng phục hồi sau sự ra đi của Exxon Mobil.
Giới hạn giá dầu do G7 và EU đặt ra nói rằng các chuyến hàng dầu thô của Nga sang các nước thứ ba có thể sử dụng bảo hiểm và tài trợ của phương Tây nếu hàng hóa được bán ở mức hoặc dưới mức trần 60 USD/thùng. Biện pháp này có hiệu lực vào cuối năm 2022 khi EU áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô của Nga.
Vào giữa tháng 11, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đang xem xét các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn đối với dầu của Nga do thực tế là hầu như không có loại dầu thô nào bị trừng phạt được giao dịch dưới mức giá trần.
Trong suốt năm 2023, Nga đã tăng đáng kể xuất khẩu dầu thô sang cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo công ty độc quyền về đường ống dẫn dầu Transneft, khối lượng dầu thô của Nga sang Trung Quốc đạt 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Nga cho biết họ đã xuất khẩu 100 triệu tấn dầu thô sang Trung Quốc trong năm nay và 70 triệu tấn sang Ấn Độ.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng vọt lên 37 triệu tấn, hãng tin Vedomosti (nhật báo về kinh doanh và thương mại bằng tiếng Nga) đưa tin hôm 9/8, trích dẫn dữ liệu từ Bộ Công Thương Ấn Độ.
Theo dữ liệu, khối lượng dầu thô của Nga xuất khẩu sang Ấn Độ đã vượt quá lượng giao hàng trong cùng kỳ năm 2022 gần 11 lần và cao hơn con số này trong cả năm 2022. Năm 2022, quốc gia này đã nhập khẩu 33,4 triệu tấn dầu thô từ Nga.
Trong giai đoạn được báo cáo, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Ấn Độ, tiếp theo là Iraq (21,4 triệu tấn) và Saudi Arabia (17,5 triệu tấn).
Lê Na (Theo Oilprice)