5 trường hợp dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ dữ liệu
Ngày 7.3.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ dữ liệu trong 5 trường hợp, bao gồm:
Việc xử lý là cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác. Bên kiểm soát dữ liệu, bên xử lý dữ liệu, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu, bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này; việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật; việc xử lý là cần thiết vì yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật khác; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của luật; dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 2, Nghị quyết 27, Chính phủ thông qua nội dung dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị định này theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020).
Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trước đó, vào ngày 29.9.2020, Chính phủ ra Nghị quyết 138 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ.
Việc xây dựng và trình Chính phủ dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cùng các văn bản hướng dẫn là một trong những nhiệm vụ Chính phủ đã giao cho Bộ Công an tại Nghị quyết 17 ngày 7.3.2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm yếu tố pháp lý cho triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nước ta và bảo đảm hoạt động cho chính phủ điện tử.
Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bộ Công an cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới, số lượng người sử dụng internet của Việt Nam đã đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (66%), tăng hơn 19% so với năm 2018, xếp thứ 13 trên thế giới về số người dùng, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google.
Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh và cơ sở hạ tầng dữ liệu đang được cải thiện. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, bảo đảm phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế…
Toàn văn dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.