Xe chiến đấu hộ vệ và hỗ trợ hỏa lực vùng Bắc Cực có tên Toros sử dụng nền tảng xe bọc thép MT-LBu, phương tiện này vốn là một khung gầm cực kỳ chắc chắn và đáng tin cậy.
Những đặc điểm bao gồm dải xích rộng, trang bị lưỡi ủi và trọng lượng tương đối thấp cho phép nó dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật có tuyết và nước, điều này rất quan trọng khi làm việc ở các vùng xa xôi của Viễn Bắc.
Để đảm bảo hoạt động bình thường của kíp điều khiển và lực lượng đổ bộ, chiếc Toros được trang bị thêm lớp cách nhiệt cho khoang chiến đấu, cũng như lò sưởi tự động Planar 4D-24.
Trên xe còn có động cơ điện phụ trợ VSN-9DN giúp vận hành thiết bị khi chưa bật động cơ chính, các giải pháp này cho phép binh sĩ làm việc một cách thoải mái mà không có nguy cơ hạ thân nhiệt.
Để hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, Toros được trang bị module chiến đấu hiện đại MB2, tích hợp pháo 2A42 30 mm, súng máy PKT 7,62 mm và súng phóng lựu tự động AG-17 30 mm.
Nhờ hệ thống vũ khí đa dạng cho phép chiếc xe thiết giáp nói trên chống lại hiệu quả không chỉ bộ binh của đối phương ở khoảng cách lên đến 4 km, mà còn cả các phương tiện bọc thép hạng nhẹ.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM được quân đội Nga lựa chọn cho nhiệm vụ tại Bắc Cực không phải dựa trên sự tình cờ.
Trong điều kiện băng giá khắc nghiệt, động cơ turbine khí 1.250 mã lực của Omsk tích hợp trên T-80BVM có khả năng hoạt động tốt hơn nhiều so với động cơ diesel của Nizhny Tagil lắp trên T-72 và T-90, vốn đòi hỏi quá trình chuẩn bị trước khi khởi động.
Hiện tại T-80BVM được coi là một trong những phương tiện chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới và đồng thời là cỗ chiến xa tối ưu cho hoạt động tại vùng Cực lạnh giá.
Khác biệt chính của nó so với những sửa đổi trước đó là thay thế hệ thống điều khiển hỏa lực lỗi thời bằng loại Kalina với kính ngắm đa kênh Sosna-U, tích hợp giáp phản ứng nổ hiện đại Relikt, cũng như lắp đặt pháo chính 2A46M-4.
Để bảo vệ lực lượng mặt đất khỏi những cuộc tấn công từ trên không của đối phương, kho vũ khí của các lữ đoàn Bắc Cực của Nga có trong biên chế những hệ thống tên lửa phòng không chiến thuật tự hành.
Chúng ta đang nói về tổ hợp Tor-M2DT và Pantsir-SA đặt trên khung gầm xe xích hai liên kết DT-30 Vityaz, đây là phương tiện tối ưu hóa cho hoạt động tại vùng cực.
Nhu cầu sử dụng DT-30 là do tuyết ở Viễn Bắc thường có khả năng chịu lực thấp. Do đó, diện tích dải xích càng lớn thì khối lượng của phương tiện sẽ phân bố đều trên bề mặt càng nhiều.
Xe địa hình DT-30 Vityaz có áp lực mặt đất chỉ 0,3 kg/cm2. Để so sánh, một người bình thường khi đi bộ cũng gây áp lực xuống đất mạnh hơn nhiều, lên tới 0,4 kg/cm2.
Do đó cùng với khoang chiến đấu được sưởi ấm cách nhiệt, xe địa hình DT-30 Vityaz tỏ ra là khung gầm lý tưởng cho các hệ thống phòng không bố trí tại Bắc Cực.
Tổ hợp Tor-M2DT có các đặc điểm tương tự phiên bản trên bộ, nó được trang bị 16 tên lửa dẫn đường, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cho phép tấn công đồng thời 4 mục tiêu ở khoảng cách lên tới 15 km.
Trong khi đó Pantsir-SA khác với bản bánh lốp ở chỗ nó không có cặp pháo bắn nhanh 30 mm. Thay vào đó, các kỹ sư quyết định đặt thêm các bệ phóng tên lửa dẫn đường 57E6, số lượng tăng từ 12 lên thành 18 quả.
Xe địa hình TREKOL-39294 sử dụng lốp áp suất thấp được các lữ đoàn Bắc Cực sử dụng để binh sĩ cơ động trên tuyết và đất đá. Do bánh xe tiếp xúc với bề mặt lớn và áp suất riêng thấp, phương tiện này vượt qua các xe bọc thép chở quân bọc thép thông thường khi làm việc tại Bắc Cực.
Chiếc xe này không có vũ khí trang bị chuyên dụng bởi vì nhiệm vụ chính của nó là tiến hành hoạt động trinh sát địa hình và hộ tống các đoàn vận tải. Thân xe bằng sợi thủy tinh cách nhiệt cho phép vận hành thoải mái ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc cực.
Phương tiện nói trên mang lại cho binh sĩ Nga sức cơ động vượt trội trên các vùng đất băng giá của Bắc Cực mà không phải phụ thuộc vào xe trượt tuyết, đây là lợi thế lớn trước đối thủ cạnh tranh.
Việt Dũng