5 yếu tố giúp phát triển mô hình cộng đồng hiệu quả

Yếu tố quan trọng để phát triển các mô hình cộng đồng đó là phải có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, để bà con có thể phát huy khả năng của mình.

Chiều 16/8, Tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn” nhằm đánh giá vai trò, vị thế, năng lực, sự cần thiết phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu mở đầu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định lại vai trò quan trọng của cộng đồng trong thực hiện chiến lược nông nghiệp, nông thôn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. “Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ: "Các dự án cộng đồng có sức lan tỏa lớn, trong đó có nhiều dự án được nhân rộng với nguồn lực của các nhà tài trợ khác, các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, đã khẳng định rõ vị thế, vai trò của tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hội trong các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững".

Theo đại diện của UNDP, từ thực tiễn triển khai nhiều chương trình, dự án, có thể khẳng định một số vấn đề rất cơ bản và quan trọng.

Qua đó, bà Huyền cho rằng, để phát triển cộng đồng và phát huy hiệu quả sức mạnh và tiềm năng cộng đồng, cần tiếp tục đổi mới một số vấn đề. Trước hết, về tầm nhìn cần xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu và sức mạnh cộng đồng để hành động thực thi chương trình, dự án một cách chủ động, lâu dài và bền vững.

Ông Huỳnh Quang Huy - Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho biết, địa phương từng có nguồn lợi thủy sản lớn, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước nhưng đến một giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì.

“Có giai đoạn, chúng tôi khảo sát 5 năm liên tục nhưng 100m2 khảo sát không có một con gì. Bà con ngư dân lúc đó rất bức xúc, họ nói các ông giữ biển như vậy con cái còn gì mà ăn”, ông Huy kể lại. Theo ông Huy, đây là hệ quả của việc nhiều chủ trương quản lý không còn hiệu quả và quá tải.

Từng có nguồn lợi thủy sản lớn, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước nhưng đến một giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì.

Từng có nguồn lợi thủy sản lớn, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước nhưng đến một giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì.

Từ đó, mô hình giao cho ngư dân tự quản lý, phục hồi nguồn lợi thủy sản được ra đời. Điều này vừa khắc phục sự quá tải, vừa đáp ứng mong mỏi của ngư dân về việc cơ quan quản lý phải vào cuộc. Chỉ sau 2 năm nỗ lực, cộng đồng này đã phát huy hiệu quả. Năm 2015, khi khảo sát, chỉ 1m2 đã có 426 đối tượng thủy sản và người dân cũng đã hiểu được bảo tồn là thế nào, tác dụng ra sao, phục hồi được nguồn lợi thủy sản.

Đây là kết quả của việc người dân tham gia vào cộng đồng bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, cụ thể là làm cội chà thả xuống biển để tôm cá có nơi phát triển. Nếu như thời gian đầu rất nhiều người lên án việc thả cội chà, cho rằng ảnh hưởng đến giao thông biển thì bây giờ ngư dân còn tự bỏ tiền làm cội chà để thả xuống biển, tái tạo nguồn tôm cá.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại sự kiện, ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nêu ra 5 yếu tố để có thể phát triển được các mô hình cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI).

Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI).

Đầu tiên, ông cho rằng cần có nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong các cộng động về mục tiêu muốn hướng đến. Thứ hai, cần có sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển.

Yếu tố tiếp theo mà ông Cao Đức Phát nêu ra là có định hướng rõ ràng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng. Yếu tố thứ tư là cần có cán bộ, có nhân lực nòng cốt để thực hiện, những nhân tố này phải có tâm huyết và “tốt nhất là đã được đào tạo, có kiến thức từ trong nước và quốc tế để làm việc hiệu quả hơn”.

Yếu tố quan trọng cuối cùng mà ông Cao Đức Phát nêu ra để phát triển các mô hình cộng đồng đó là phải có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng để bà con có thể phát huy khả năng của mình.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/5-yeu-to-giup-phat-trien-mo-hinh-cong-dong-hieu-qua-a621977.html