50 hộ gia đình người dân tộc Thái thấp thỏm chờ tái định cư

50 hộ dân với gần 200 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái trú tại thôn Lửa (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đang phải sống trong cảnh 'vô thừa nhận'. Hơn 20 năm qua, những hộ dân này vẫn đang thấp thỏm mong chờ sớm được bố trí quỹ đất tái định cư để ổn định đời sống.

 Không có đất canh tác nên người dân thôn Lửa phải lấy nghề đánh bắt sản vật trên dòng sông Khao để mưu sinh

Không có đất canh tác nên người dân thôn Lửa phải lấy nghề đánh bắt sản vật trên dòng sông Khao để mưu sinh

Những phận đời vô thừa nhận

Thôn Lửa (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) trải dài trên một diện tích rộng lớn, "bám lưng, bám bụng" Quốc lộ 47. Trên địa bàn thôn hiện có 50 hộ dân mà nếu xét về lý, đây là những hộ hiện thuộc diện đang cư trú bất hợp pháp.

Sở dĩ có cái sự lạ lùng như vậy là bởi gần 2 thập kỷ trước, những hộ dân này đã nhường đất cho Nhà nước để thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt. Tuy vậy, sau một thời gian di dời, do không thể bám trụ được tại vùng đất mới, họ đã trở về chốn cũ để cư trú bất hợp pháp, chấp nhận cuộc sống tạm bợ, bám sông Khao để mưu sinh chờ ngày đổi phận.

Gia đình bà Hà Thị Năm (48 tuổi) là một trong số những hộ dân có "hoàn cảnh éo le" như trên. Căn nhà của gia đình bà Năm tựa lưng vào dòng sông Khao. Do không có đất canh tác, tuổi đã cao nên nhiều năm nay, bà Năm chỉ còn biết trông chờ vào việc khai thác những con nòng nọc trên sông để có đồng ra đồng vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.

Bà Hà Thị Năm đang làm sạch những con nòng nọc đánh bắt được trên dòng sông Khao.

Bà Hà Thị Năm đang làm sạch những con nòng nọc đánh bắt được trên dòng sông Khao.

Tuy nhiên, nòng nọc - thứ sản vật của dòng sông Khao - cũng cũng chỉ có kỳ vào mùa nắng, nước cạn. Còn mùa mưa, nước dâng thì coi như nhà bà Năm cùng các hộ gia đình khác không biết làm gì để có tiền. "Thanh niên trai trẻ còn có sức khỏe, có thể đi làm được chứ như chúng tôi, không có đất sản xuất nên cũng chỉ biết bám vào sông Khao để mưu sinh qua ngày", bà Năm tâm sự.

Ngược dòng thời gian trở về thời điểm năm 2004, gia đình bà Năm cùng nhiều hộ dân khác được chính quyền vận động giao đất để thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt. Chấp hành chính sách, 14 hộ dân khi đó đã đồng tình ủng hộ di chuyển đến nơi ở mới tại thôn Khong (xã Yên Nhân) với nhiều hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, sau 2 năm, vùng đất mới khó sống, lại không có đất canh tác nên các hộ dân đã tìm về chốn cũ dựng nhà và cư trú bất hợp pháp đến tận bây giờ. Sau hơn 20 năm, từ 14 hộ, hiện số hộ dân cư trú bất hợp pháp trên địa bàn thôn Lửa đã lên đến 50 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Mang cái tiếng cư trú bất hợp pháp nên những hộ dân tại đây không chỉ đối mặt với nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt, mà việc không có điện, thiếu đất sản xuất khiến cho cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Gia đình ông Vi Văn Chanh (51 tuổi) cũng là một trong những hộ hiện đang sinh sống tại thôn Lửa nhưng không được thừa nhận. Xét về lý, do cư trú bất hợp pháp nên gia đình ông Chanh không được hưởng các chính sách đãi ngộ của Nhà nước trong đó có điện chiếu sáng. Để cuộc sống bớt tối tăm, ông Chanh phải mua một tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn năng lượng ít ỏi đó cũng rất dè sẻn và hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Theo ông Chanh, những ngày trời mưa, không có năng lượng, căn nhà của ông chìm trong bóng tối.

Ông Vi Văn Chanh cùng như nhiều hộ dân khác ở thôn Lửa mong có nơi an cư hợp pháp.

Ông Vi Văn Chanh cùng như nhiều hộ dân khác ở thôn Lửa mong có nơi an cư hợp pháp.

Nhớ lại những năm tháng đã qua, ông Chanh kể, năm 2004, gia đình ông được chính quyền hỗ trợ số tiền 37 triệu để tự tìm nơi ở mới sau khi nhường đất để thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt. Tuy nhiên, 2 năm sau khi mua một mảnh đất với giá 5 triệu và dựng tạm chiếc lều nhỏ để sinh sống, ông Chanh đã quyết định dắt díu gia đình trở về thôn Lửa và chấp nhận cư trú bất hợp pháp từ đó đến nay.

Vài năm trước, căn nhà nơi gia đình ông sinh sống đã quá rách nát. Mặc dù không được chính quyền địa phương cho phép nhưng ông Chanh vẫn gom góp tiền và đánh liều dựng một căn nhà vững chãi hơn. Không được thừa nhận quyền cư trú nên ông Chanh không được vay vốn ngân hàng, để có tiền dựng nhà, người đàn ông phải vay mượn khắp nơi. Theo ông Chanh, dù tốn kém nhưng bù lại gia đình ông có chỗ ở tử tế mỗi khi mưa, lũ về.

"Chúng tôi cũng đã có tuổi, chỉ mong ước sao chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi có một tấc đất cắm dùi và thoát khỏi tiếng sống bất hợp pháp trên chính mảnh đất cha ông để lại là may mắn lắm rồi", ông Chanh chia sẻ.

Vẫn chưa rõ ngày được an cư

Trao đổi với Báo PNVN, ông Hà Thanh Hắng (Chủ tịch UBND xã Yên Nhân) cho biết, vào năm 2004, để thuận lợi cho việc thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, chính quyền địa phương đã vận động các hộ di dời đến nơi ở mới.

Theo đó, có 2 phương án tái định cư được đưa ra đó là người dân sẽ được di chuyển vào Tây Nguyên. Tại đây, người dân sẽ được hỗ trợ 1 nửa kinh phí để dựng nhà với diện tích 35 – 40m2. Phương án thứ 2 là người dân sẽ nhận được số tiền đền bù và tự bố trí nơi ăn chốn ở tại 2 điểm tái định cư đã được bố trí trên địa bàn xã.

Thời điểm đó, tất cả các hộ dân đều đồng loạt lựa chọn phương án 2. Tuy nhiên, khi đến nơi ở mới, phần vì xa trung tâm xã, phần vì không có đất canh tác, lại thêm người dân chia sẻ không quen với nơi ở mới nên sau 2 năm, họ lại dọn về địa điểm cũ để sinh sống bất hợp pháp đến tận bây giờ. Ban đầu là 14 hộ, đến nay, số hộ cư trú bất hợp pháp đã lên đến 50 hộ.

Ông Hà Thanh Hắng, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân

Ông Hà Thanh Hắng, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân

Không có đất sản xuất nên thu nhập của các hộ dân này chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên do con sông Khao mang lại. "Con sông mùa khô cạn trơ đáy nhưng vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao mấy mét sát đến tận nhà các hộ dân nên vô cùng nguy hiểm. Chính vì sống cạnh con sông này nên người dân luôn thấp thỏm lo lắng còn chính quyền cũng chẳng yên. Chính quyền địa phương nhiều lúc cũng rất xót xa nhưng không thể nào làm khác được bởi còn có nhiều quy định ngặt nghèo về mặt pháp lý", ông Hắng chia sẻ.

Để hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai, vị Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết, vào mùa mưa, chính quyền địa phương phải tuyên truyền liên tục để người dân cảnh giác và rời khỏi nhà khi cần thiết. "Trước những bất cập hiện hữu, chính quyền huyện Thường Xuân đã lên phương án quy hoạch diện tích đất tại khu Băng Lương, xã Yên Nhân (có vị trí nằm ở taluy dương đối diện với khu dân cư thôn Lửa ở hiện tại) để xây dựng khu tái định cư tập trung và cơ sở hạ tầng thiết yếu, như điện, nước, đường giao thông, nhà văn hóa, trường học… cho các hộ dân. Tuy nhiên, phương án trên còn phải chờ cấp tỉnh quy hoạch do có liên liên quan đến diện tích đất rừng phòng hộ", ông Hắng cho biết.

Ngọc Ánh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/50-ho-dan-nguoi-dan-toc-thai-thap-thom-cho-tai-dinh-cu-20250521225722067.htm