50 năm biến chuyển thần kỳ của châu Á và khả năng trở thành các cường quốc kinh tế tương lai

Trong quá trình phát triển 50 năm qua tại châu Á, các chính phủ luôn đóng vai trò quan trọng, từ việc lãnh đạo, xúc tác cũng như hỗ trợ. Giáo sư Deepak Nayyar* đã nhận định như vậy trong một bài viết mới đây trên báo The Hindu (Ấn Độ).

Trong 50 năm qua, Singapore đã nhanh chóng vươn lên trở thành một quốc gia phát triển. (Nguồn: Singapore Travel)

Cách đây gần 2 thế kỷ, vào năm 1820, châu Á chiếm 2/3 dân số thế giới và hơn 50% thu nhập toàn cầu. Tại thời điểm này, châu Á vẫn đóng góp hơn một nửa sản lượng chế tạo trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sự suy thoái của châu Á trong giai đoạn sau đó được quy kết cho sự hội nhập của châu lục này với kinh tế thế giới, vốn bị chi phối bởi chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Năm 1962, tỷ lệ đóng góp của châu Á trong thu nhập toàn cầu sụt xuống chỉ còn 15%, trong khi sản lượng chế tạo của châu Á cũng chỉ chiếm 6% của thế giới. Thậm chí vào năm 1970, châu Á là châu lục nghèo nhất thế giới. Các chỉ số phát triển theo khía cạnh nhân khẩu và xã hội đã phản ánh tình trạng kém phát triển của châu Á. Nhà kinh tế học Thụy Điển đoạt giải Nobel năm 1974 - Gunnar Myrdal, trong tác phẩm xuất sắc “Vở kịch châu Á” xuất bản năm 1968, đã rất bi quan về triển vọng phát triển của châu lục.

Chưa có tiền lệ

Tuy nhiên, kể từ năm 1970, châu Á đã chứng kiến một sự thay đổi sâu sắc trên khía cạnh phát triển kinh tế của các quốc gia và điều kiện sống của người dân. Năm 2016, châu Á chiếm 30% thu nhập toàn cầu, 40% sản lượng sản xuất và 1/3 thương mại thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của châu lục cũng được cải thiện hướng đến mức trung bình của thế giới.

Sự biến chuyển này dù diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và dân tộc ở châu Á, nhưng bước nhảy thần kỳ về kinh tế của châu lục này trong khoảng 50 năm qua là chưa từng có tiền lệ.

Sự đa dạng của châu Á là điều nên lưu tâm. Các quốc gia ở châu lục này có sự khác biệt về diện tích, địa lý, lịch sử, di sản thời thuộc địa, các phong trào dân túy, điều kiện ban đầu, tài nguyên thiên nhiên, dân số, mức thu nhập và thể chế chính trị. Sự phụ thuộc vào thị trường và độ mở của các nền kinh tế cũng rất khác nhau. Nhưng dù đa dạng như vậy, châu Á vẫn có những nét tương đồng.

Đối với các nước châu Á, sự độc lập chính trị - vốn là tiền đề quan trọng cho sự tự chủ kinh tế và theo đuổi các mục tiêu phát triển quốc gia – đã thúc đẩy sự biến chuyển nói trên. Không giống như ở châu Phi hay Mỹ Latin, hầu hết các quốc gia châu Á đều có lịch sử lâu dài, hệ thống nhà nước và văn hóa được tổ chức hợp lý.

Tăng trưởng kinh tế thúc đẩy phát triển. Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người ở châu Á rất ấn tượng, nhanh hơn hẳn các khu vực khác trên thế giới. Đầu tư và mức tiết kiệm tăng lên, cộng với việc phổ cập giáo dục là những yếu tố căn bản tạo nên tăng trưởng. Sự phát triển còn là kết quả của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và tập trung vào hoạt động xuất khẩu.

Một góc thành phố Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Kết quả không ngang bằng

Trên thực tế, kết quả phát triển giữa các khu vực hay các quốc gia tại châu Á không đồng đều. Đông Á phát triển nhanh nhất, Nam Á vẫn còn khá lạc hậu, trong khi Đông Nam Á nằm ở mức trung bình.

Chỉ trong 50 năm, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore trở thành các nền kinh tế phát triển. Trung Quốc cũng là ngôi sao sáng, có những bước nhảy vọt ấn tượng từ sau năm 1990. Sự năng động của kinh tế Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã giảm dần sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Sự phát triển của Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam là ấn tượng nhất trong 25 năm qua, mặc dù Ấn Độ và Bangladesh vẫn chưa bắt kịp với phần còn lại của châu Á trên khía cạnh tiến bộ xã hội.

Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đã thay đổi các chỉ số phát triển, trong bối cảnh tỷ lệ biết chữ và tuổi thọ trung bình cũng tăng hơn ở mọi nơi. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng dẫn đến tình trạng đói nghèo giảm trên diện rộng. Tuy nhiên, công cuộc xóa đói giảm nghèo có thể sẽ hiệu quả hơn nữa, nếu không vướng phải vấn đề bất bình đẳng, vốn bắt gặp giữa các nhóm người trong một quốc gia. Sự bất bình đẳng giữa các quốc gia nghèo nhất và giàu nhất ở châu Á cũng rất lớn.

Trong hơn 50 năm phát triển vừa qua của châu Á, các chính phủ đóng vai trò quan trọng, từ việc lãnh đạo, xúc tác cho đến hỗ trợ. Sự thành công của châu Á phụ thuộc vào việc điều hòa mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Chính phủ của quốc gia nào không làm được vai trò này thường sẽ bị tụt hậu.

Chính sách công nghiệp nhạy bén

Mở cửa nền kinh tế đóng vai trò hỗ trợ quan trọng đối với sự phát triển châu Á, thể hiện sự hội nhập chiến lược với kinh tế thế giới. Trong khi sự cởi mở rất cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa thành công, thì dường như vẫn là chưa đủ. Sự cởi mở chỉ thúc đẩy công nghiệp hóa khi nó đi kèm với chính sách công nghiệp.

Rõ ràng, thành công của công nghiệp hóa tại châu Á là kết quả của chính sách công nghiệp nhạy bén được tiến hành bởi các chính phủ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trong tương lai, khả năng học hỏi công nghệ cũng là nhân tố thiết yếu cho công nghiệp hóa bền vững.

Thép cuộn bên trong một xí nghiệp ở Cao Hùng, miền Nam Đài Loan (Trung Quốc). (Nguồn: Reuters).

Thách thức phía trước

Sự trỗi dậy của châu Á phản ánh giai đoạn khởi đầu trong thay đổi cán cân quyền lực kinh tế trên thế giới, cũng như sự suy giảm quyền lãnh đạo chính trị của phương Tây. Tương lai sẽ được định hình một phần bởi cách châu Á khai thác các cơ hội và đối phó với các thách thức.

Dù vậy, vào năm 2030, xếp hạng thu nhập bình quân đầu người của châu Á so với thế giới sẽ trở về vị trí giống như năm 1820. Tuy nhiên, dự báo này không hẳn là đáng lo bởi trên thực tế, không nơi đâu có thu nhập bình quân đầu người so được với Mỹ và châu Âu. Vì vậy, các quốc gia châu Á sẽ trở thành các cường quốc thế giới mà không cần có mức thu nhập bình quân đầu người ngang bằng với các nước phương Tây.

Vào khoảng năm 2050 - một thế kỷ sau khi kết thúc chế độ thực dân, châu Á sẽ chiếm hơn một nửa thu nhập của thế giới và là nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới. Châu Á sẽ có ảnh hưởng chính trị - kinh tế quan trọng với thế giới, điều mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được cách đây 50 năm.

Tác giả Deepak Nayyar là Giáo sư Danh dự chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru và nguyên là Phó Hiệu trưởng Đại học Delhi. Ông vừa xuất bản cuốn sách “Châu Á tái sinh: Sự đa dạng trong phát triển”.

Quang Chinh

(theo The Hindu)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/50-nam-bien-chuyen-than-ky-cua-chau-a-va-kha-nang-tro-thanh-cac-cuong-quoc-kinh-te-tuong-lai-103235.html