50 năm Chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975 trên địa bàn Trà Vinh:

Từ sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, chính quyền và quân đội Sài Gòn nhanh chóng lộ mặt phản bội, liên tục mở nhiều cuộc hành quân 'tràn ngập lãnh thổ', ngang ngược lấn đất giành dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương cục miền Nam và Khu ủy khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Trà Vinh lãnh đạo quân, dân trong tỉnh kiên quyết tiến công trừng trị sự phản bội của địch. Cùng với cả miền Nam và khu Tây Nam Bộ, bằng 03 mũi giáp công, quân, dân Trà Vinh đi vào Chiến dịch Mùa khô 1973 - 1974, rồi Chiến dịch Mùa mưa 1974 giành nhiều thắng lợi quan trọng, tạo sự thay đổi to lớn về tương quan lực lượng, mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế phòng thủ.

Trước tình hình đó, tháng 8/1974, Quân ủy và Bộ Tư lệnh miền đề ra kế hoạch chiến lược Mùa khô 1974 - 1975 trên toàn miền Nam. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chọn các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long (Quân khu 9) và Bến Tre (Quân khu 8) làm trọng điểm(1), với 02 đợt (từ tháng 12/1974 - 02/1975 và tháng 3 - 5/1975). Trên cơ sở đó, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định chọn 02 tỉnh Trà Vinh (đợt 1) và Vĩnh Long (đợt 2) làm khu vực trọng điểm I cho việc mở chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975(2), với yêu cầu “giải phóng đại bộ phận nông thôn (…) tạo tương quan lực lượng ta mạnh hơn hẳn địch, tạo điều kiện bước tiếp giành thắng lợi hoàn toàn(3). Bộ Tư lệnh Quân khu điều Trung đoàn 1 bộ đội chủ lực quân khu (Trung đoàn trưởng là đồng chí Phạm Văn Trà) về chiến trường trọng điểm cùng với Trung đoàn 3 (Trung đoàn trưởng là đồng chí Lê Xã Hội) đang có mặt trước đó, tạo ra sự thay đổi có lợi về tương quan lực lượng trên địa bàn Vĩnh Trà. Trong khi đó, từ tháng 7/1974, Bộ Tư lệnh Vùng IV chiến thuật (ngụy) lấy địa bàn 02 tỉnh Trà Vinh - Vĩnh Long làm Khu vực đặc nhiệm, với Chiến đoàn 6 gồm 02 tiểu đoàn chủ lực của Sư đoàn 7 bộ binh và 02 Chi đội xe bọc thép M 113, đóng tại Vũng Liêm.

Chấp hành sự chỉ đạo của Quân ủy miền và Khu ủy khu Tây Nam Bộ, đầu tháng 11/1974, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức Hội nghị kéo dài 21 ngày tại căn cứ Ngãi Hưng (Tập Ngãi - nay là xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần) để quán triệt nhiệm vụ và thành lập Ban Chỉ huy chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975.

Thời điểm này, lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh có 03 tiểu đoàn địa phương quân (501, 509 và 512), 05 đại đội binh chủng, mỗi huyện có 01 đại đội địa phương quân huyện, mỗi xã có 01 - 03 trung đội du kích. Trong khi tiểu khu Vĩnh Bình có 09 tiểu đoàn bảo an trực thuộc Liên đoàn bảo an 950 đóng tại tỉnh lỵ, các huyện lỵ và một số xã trọng yếu cùng 02 tiểu đoàn ứng chiến (404 và 522) cùng 01 Chi đội xe bọc thép M113 đóng tại tỉnh lỵ. Liên đoàn bảo an 950 luôn có sự yểm trợ của Chiến đoàn 6 chủ lực.

Theo kế hoạch, ngày N. của Chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975 trên toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long là ngày 05/12/1974. Tuy nhiên, để tạo bất ngờ đồng thời cũng để thu hút và tiêu diệt lực lượng ứng chiến của địch hành quân can viện, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đồng ý để Trà Vinh đi vào chiến dịch sớm hơn 02 ngày.

Đúng 15 giờ 30 phút, ngày 03/12/1974, bộ đội chủ lực Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 phối hợp với quân dân Cầu Kè và Tiểu Cần tiến công cường tập tiêu diệt phân chi khu Bà Mi (căn cứ phòng thủ phía Tây Bắc chi khu Cầu Kè) và phục kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 404 tại Ranh Hạt (huyện Tiểu Cần giáp huyện Cầu Kè).

Những ngày sau đó, bộ đội chủ lực quân khu phối hợp cùng quân dân địa phương tiến công cường tập tiêu diệt hàng loạt phân chi khu và giải phóng các xã Tam Ngãi, Thông Hòa (Cầu Kè), Hùng Hòa, Tân Hòa (Tiểu Cần), Tập Sơn, An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Đôn Châu, Đại An (Trà Cú), Long Vĩnh (Duyên Hải), rồi quay lên tiến công cường tập, tiêu diệt phân chi khu và giải phóng các xã Tân An, Huyền Hội, An Trường (Càng Long).

Lần đầu tiên trên địa bàn Trà Vinh, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, lực lượng vũ trang cách mạng tiến công cường tập giữa ban ngày, tiêu diệt hàng loạt phân chi khu và các tiểu đoàn ứng chiến, tạo ra tâm lý thối động cực lớn trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Các chi khu Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Long Khánh bị cô lập. Tuyến nông thôn ven Sông Hậu được mở toang. Địch buộc phải điều lực lượng Chiến đoàn 6 và lực lượng ứng chiến tiểu khu về giải vây chi khu Long Khánh, căn cứ Cây Da (Ngũ Lạc) để nối chi khu Long Khánh về tiểu khu Vĩnh Bình.

Song song đó, từ ngày 05/12/1974, đúng theo kế hoạch của chiến dịch, các tiểu đoàn địa phương quân và các đại đội binh chủng tỉnh Trà Vinh phối hợp cùng quân dân các huyện Cầu Ngang, Trà Cú tiến công tiêu diệt các phân chi khu và giải phóng các xã “vùng ruột” Long Sơn, Nhị Trường, Hiệp Hòa, Ngũ Lạc và các xã ven biển Long Hữu, Hiệp Mỹ, Mỹ Long (Cầu Ngang), Long Hiệp (Trà Cú), rồi quay lên phối hợp cùng quân dân huyện Châu Thành tiến công tiêu diệt phân chi khu, giải phóng xã Hưng Mỹ. Tuyến nông thôn toàn huyện Duyên Hải và tuyến ven Sông Tiền các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Càng Long cũng được mở ra.

Trong đợt I của Chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975, bằng 03 thứ quân (chủ lực, địa phương quân, du kích) và 03 mũi giáp công (vũ trang, chính trị, binh vận), trên địa bàn Trà Vinh, các lực lượng vũ trang cách mạng đã diệt 03 tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 04 tiểu đoàn bảo an (trên tổng số 11 tiểu đoàn), giải phóng cơ bản 02 huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, giải phóng phần lớn 03 huyện Trà Cú, Cầu Kè, Tiểu Cần (trên tổng số 07 huyện), giải phóng hoàn toàn 21 xã(4) (cộng với 05 xã trước chiến dịch là 26 xã so với tổng số 56 xã toàn tỉnh). Những số liệu này đã khẳng định thắng lợi vô cùng to lớn của Chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975, có tính chất bước ngoặt cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Là những người làm công tác nghiên cứu lịch sử địa phương, chúng tôi cố gắng tìm hiểu thật nhiều tài liệu càng tốt để đánh giá đúng mức ý nghĩa của thắng lợi Chiến dịch Mùa Khô 1974 - 1975 trên địa bàn Trà Vinh trong giai đoạn kết thúc cuộc kháng chiến 1954 - 1975, không chỉ đối với chiến trường trong tỉnh, chiến trường miền Tây Nam bộ mà còn cả miền Nam, cả nước. Thật tiếc là quyển “Quân khu 9, 30 năm kháng chiến (1945 - 1975)” và quyển “Lực lượng vũ trang Trà Vinh 30 năm kháng chiến (1945 - 1975)” mô tả rất kỹ diễn biến, kết quả chiến dịch này nhưng lại không đề cập ý nghĩa. Riêng quyển Lịch sử tỉnh Trà Vinh trân trọng ghi nhận “Thắng lợi của quân dân Trà Vinh là to lớn, toàn diện và vững chắc, dồn địch vào thế bị động. Tinh thần của binh sĩ ngụy bị sa sút nặng nề, luôn rơi vào tình trạng hoang mang dao động, kể cả các đơn vị được chỉ huy tiểu khu Vĩnh Bình và Vùng IV chiến thuật đánh giá là mạnh, là nòng cốt như Tiểu đoàn bảo an cơ động 404, Tiểu đoàn bảo an 522…(5).

Đọc lại lịch sử chiến tranh Việt Nam, chúng ta hiểu rằng, khi Chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975 diễn ra thì, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 08/01/1975) cũng được tiến hành, trong đó có sự tham dự của 03 đại biểu Trung ương cục miền Nam (Phạm Hùng - Bí thư Trung ương cục, Phan Văn Đáng - Phó Bí thư Trung ương cục, Thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Quân Giải phóng). Khi Hội nghị thảo luận đánh giá tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch để đi đến kết luận thời cơ giải phóng miền Nam xuất hiện trong năm 1975 hay 1976 thì “…lúc này, tin chiến thắng của chiến trường B2 (tức miền Nam) ngày nào cũng có. Phấn khởi nhất là tin ở Trà Vinh, một tỉnh đồng bằng cũng là hướng chủ yếu của đầu mùa khô (tức đợt 1 Chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975), ta đã diệt nhiều địch, gỡ nhiều đồn, giải phóng nhiều xã, nhiều dân. Mọi người trong hội nghị, nhất là đại biểu B2 rất đỗi vui mừng. Thực tiễn của chiến trường đã dẫn chứng cho nhiều lập luận đánh giá tình hình, giống như các chiến sĩ và nhân dân ở chiến trường xa cũng tham gia trực tiếp thảo luận ở Hội nghị vậy!” (6).

Nói một cách hình tượng, theo Thượng tướng Trần Văn Trà, bằng Chiến dịch Mùa khô 1974 - 1975, quân dân Trà Vinh đã “bước vào và góp tiếng nói” tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, một hội nghị mang tính quyết định cho việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thế mới rõ, việc nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác, toàn diện, khách quan một vấn đề, một sự kiện lịch sử cần có độ lùi nhất định về mặt thời gian!

TRẦN DŨNG

(1) Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm. Thượng tướng Trần Văn Trà. Nxb QĐND 2005, tr 664.

(2) Lịch sử tỉnh Trà Vinh, tập Hai (1954 - 1975), tr 280.

(3) Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh 30 năm kháng chiến (1945 - 1975). Nxb QĐND 1998, tr 349.

(4) Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Trà Vinh, 30 năm kháng chiến. Sđd, tr 365, 366.

(5) Lịch sử tỉnh Trà Vinh. Tập Ba. Sđd, tr 294.

(6) Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm. Sđd, tr 702.

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/50-nam-chien-dich-mua-kho-1974-1975-tren-dia-ban-tra-vinh-41892.html