50 năm - Cơn chấn động truyền thông mang tên Apollo 11
Cũng chính những ngày này tròn 50 năm trước, một cơn chấn động truyền thông đã bùng nổ khi con tàu vũ trụ Apollo 11 rời Trái đất, mang theo những nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
Khoảng 600 triệu người không rời mắt khỏi màn ảnh truyền hình để dõi theo sự kiện đã đánh dấu cột mốc vĩ đại trong lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại.
Chinh phục vũ trụ - những bước tiến vượt bậc của nhân loại
Mặt trăng cách Trái đất hơn 384.000 km, tuy nhiên, với loài người, hành tinh này vẫn là một trong những điều kì ẩn lớn nhất. Nỗi khát khao khám phá Mặt trăng, vì thế đã luôn là một trong những niềm khát khao lớn nhất của nhân loại và con người đã không ngừng quyết liệt tìm mọi cách hiện thực hóa ước vọng ấy của mình.
Năm 1957, Liên Xô, với sức mạnh về mọi mặt của một cường quốc thời bấy giờ, đã là nước đầu tiên mở đầu “Kỷ nguyên không gian” (Space Age) bằng việc phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Sputnik, có nghĩa là “vệ tinh” trong tiếng Nga, đã được phóng vào lúc 10:29 tối, theo giờ Moskva, từ trạm phóng Tyuratam tại Cộng hòa Kazakhstan. Sputnik có đường kính 22 inch (55,8 cm), nặng 184 pound (83,5 kg), và có thể bay một vòng quanh Trái đất hết 1 giờ 36 phút. Vệ tinh này có vận tốc 18.000 dặm/giờ, với quỹ đạo hình elip, trong đó điểm cực viễn cách Trái đất 584 dặm và điểm cực cận cách 143 dặm. Sau khi ổn định quỹ đạo quanh Trái đất, Sputnik đã bay liên tục trong ba tháng, thực hiện tổng cộng 1.440 vòng bay xung quanh Trái Đất, tương ứng với quãng đường khoảng 60 triệu km. Hệ thống truyền tín hiệu của Sputnik 1 tiếp tục hoạt động trong 2 tuần liên tục sau khi nó được phóng lên. Vào ngày 4/1/1958, Sputnik 1 bắt đầu mất độ cao và giảm tốc độ, đi vào bầu khí quyển Trái đất và bốc cháy do ma sát với không khí.
Phi hành đoàn Apollo 11: Neil Armstrong, Edwin Aldrin và Michael Coolins.
Tiếp nối thành công của Sputnik 1, ngày 3/11/1957, Liên Xô đã phóng vệ tinh Sputnik 2 cùng với chú chó Laika. Laika đã trở thành sinh vật sống đầu tiên lên vũ trụ, mặc dù nó đã bị thiêu cháy trong chuyến đi lịch sử của mình.
Ngày 31/1/1958, Mỹ mới bắt đầu thực hiện vụ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào vũ trụ, vệ tinh mang tên Explorer 1 – “Kẻ khám phá-1”. Đúng như dự tính của NASA, Explorer 1 đã gửi thông tin về Trái đất trong vòng 4 tháng và ngừng truyền tín hiệu vào ngày 23/5/1958. Vệ tinh này cũng đã lơ lửng trong không gian mất hơn 10 năm trước khi đâm vào bầu khí quyển và rơi xuống Trái đất vào ngày 31/3/1970. Tuy nhiên, Explorer 1 có ý nghĩa vô cùng to lớn với ngành khoa học vũ trụ Mỹ, chứng minh Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng đưa vệ tinh vào không gian.
3 năm sau, đúng 9h07 ngày 12/4/1961 (giờ Moscow), phi thuyền Phương Đông (Vostok) mang theo phi hành gia Yuri Gagarin xuất phát từ bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo với tốc độ 29.000 km/giờ, đạt độ cao tối đa 327 km. Sau khi kết thúc hành trình bay vòng quanh trái đất trong 108 phút, Gagarin nhảy khỏi khoang và hạ cánh an toàn bằng dù xuống một cánh đồng tại tỉnh Saratov. Chuyến bay đầu tiên đưa con người vào vũ trũ đã thành công, trở thành niềm tự hào và là thành quả vĩ đại nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Trong phòng điều khiển ở Trung tâm Kennedy Space Center giờ phút phóng tàu Apollo 11 .
Sự kiện truyền thông chưa từng có
Chưa đầy 1 tháng sau, người Mỹ cũng đưa nhà du hành Alan Shepherd lên quỹ đạo. Tuy nhiên, chuyến bay chỉ kéo dài trong vòng 15 phút nên Shepherd đã không kịp đi hết 1 vòng Trái đất. Sau đó, Mỹ lên kế hoạch cho một sự kiện vô cùng táo bạo để trở thành quốc gia đầu tiên chinh phục Mặt trăng. Tổng thống Mỹ Kennedy (1917-1963), thời điểm đó đã tuyên bố: “Chúng ta quyết định sẽ đến Mặt trăng ngay trong thập kỷ này bên cạnh những việc làm khác, không phải vì chúng là việc dễ dàng, mà vì chúng đầy khó khăn”.
Cũng bởi “điệp vụ đầy khó khăn” mà trong suốt thời gian sau đó, vị Tổng thống điển trai đã luôn nhắc đi nhắc lại: “Nước Mỹ phải đặt chân bằng được lên Mặt trăng”. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) được giao nhiệm vụ hiện thực hóa bằng được ý tưởng này và trong vòng 3 năm, tổ chức này đã phải làm việc cật lực để vượt qua những thử thách kỹ thuật lớn chưa từng có, nhằm xây dựng một chương trình không gian khả thi bắt đầu từ con số không mang tên Chương trình Apollo (Apollo Project), từ việc nghiên cứu và chế tạo các loại tên lửa khác nhau… Vào lúc đỉnh điểm, ước tính có 400.000 người trên khắp nước Mỹ làm việc trong chương trình Apollo.
Cắm cờ trên mặt trăng.
Không chỉ hao tổn nhân lực, chương trình đưa người lên không gian cũng ngốn của nước Mỹ số kinh phí khổng lồ. Theo báo cáo mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trình lên Quốc hội vào năm 1973, tổng chi phí cho chương trình Apollo kéo dài từ đầu những năm 1960 đến khi kết thúc vào năm 1972 lên đến 25,4 tỷ USD (quy đổi theo tỷ giá vào năm 2005 là 170 tỷ USD). Trung bình 17 chuyến bay của chương trình Apollo theo tỷ giá năm 2005 lên đến 10 tỷ USD cho mỗi lần phóng. Số tiền cho mỗi lần đưa tàu Apollo lên không gian lên tới 9,01 tỷ USD - cao hơn cả GDP của Uganda vào năm 2005.
Để phóng được thành công con tàu Apollo lên không gian không hề là chuyện dễ dàng. Có con số Apollo 11 đồng nghĩa với việc trước đó đã có hàng chục con tàu Apollo khác đã được phóng thử nghiệm lên vũ trụ. Không chỉ tốn kém về tiền bạc, nhân lực mà còn hao tổn cả máu. Apollo 1 theo kế hoạch là chuyến đi có người đầu tiên của chương trình đổ bộ Mặt trăng với ngày phóng dự kiến vào ngày 21/2/1967.Tuy nhiên, một vụ hỏa hoạn cabin trong một thử nghiệm phóng vào ngày 27/1 tại Launch Pad 34 ở Cape Canaveral đã khiến cả 3 phi hành đoàn thiệt mạng. Tuy nhiên, bất chấp thất bại này, NASA cùng hàng ngàn nhân viên vẫn tiếp tục làm việc, và đến tháng 10/1968, Apollo 7, sứ mệnh Apollo có người lái đầu tiên được phóng lên quỹ đạo Trái đất và thử nghiệm thành công nhiều hệ thống phức tạp cần thiết để thực hiện hành trình lên Mặt trăng và hạ cánh. Apollo 9 được thực hiện vào tháng 3 năm 1969 là chuyến bay đầu tiên đưa trọn gói trang thiết bị lên quỹ đạo Trái đất để thử nghiệm tất cả mọi chi tiết của chuyến bay chính thức, chỉ ngoại trừ việc hạ cánh xuống Mặt trăng. Tiếp theo đó là chuyến bay Apollo 10 vào tháng 5/1969, có thể coi là một cuộc diễn tập hoàn chỉnh.
Thành phố New York chào đón các phi hành gia trở về như những người hùng bằng một cuộc diễu hành. Ảnh: NASA.
Sáng ngày 16/7/1969, tàu Apollo 11 cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kenedy với phi hành đoàn gồm Neil Armstrong, Edwin Aldrin và Michael Coolins. Sau khi được phóng qua tầng khí quyển của Trái đất, tàu Apollo 11 tách ra và tiếp tục chặng đường kéo dài 3 ngày trên hành trình hướng tới Mặt trăng. Khi đã đi vào quỹ đạo của hành tinh, các phi hành gia điều khiển môđun tiếp cận và hạ cánh tại khu vực Sea of Tranquility (Biển tĩnh lặng) trên Mặt trăng vào ngày 20/7. Các nhà du hành vũ trụ tiếp tục ở trong môđun 21 tiếng sau khi hạ cánh. Ngày 21/7, phi hành gia Neil Armstrong đã mở cửa môđun, bước ra ngoài và đặt bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt trăng. Armstrong đã có câu nói bất hủ: “Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại.” Neil Armstrong và Edwin Aldrin đã dành hơn hai giờ đồng hồ cùng nhau khám phá, chụp hình và thu thập mẫu vật trên bề mặt Mặt trăng để đem về Trái đất nghiên cứu. Trước khi quay lại tàu, họ đánh dấu sự có mặt của con người bằng cách cắm cờ Mỹ trên Mặt trăng. Ngày 24/7, các phi hành gia Mỹ đã trở về Trái đất an toàn.
Phát sóng trực tiếp giờ phút phóng tàu Apollo 11.
Với hàng triệu người dân trên đất Mỹ, giây phút tàu vũ trụ Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt trăng là thời khắc huy hoàng nhất. Và với giới truyền thông Mỹ, đó cũng là sự kiện truyền thông chưa từng có tiền lệ. Sự kiện vĩ đại này đã được tường thuật trực tiếp và phát sóng trên toàn cầu. Đây có thể coi là chương trình truyền hình trực tiếp lớn nhất thế giới đầu tiên, phát sóng một sự kiện diễn ra ở cách Trái đất tới 386.000 km. Khoảng 600 triệu người trên khắp thế giới theo dõi trực tiếp cuộc đổ bộ của tàu Apollo 11 lên Mặt trăng qua truyền hình. Chứng kiến qua màn ảnh nhỏ hình ảnh những người Mỹ đi lại, chạy nhảy hàng giờ rồi thu thập nhiều bao đựng đất đá... loài người đã chấn động. Nước Mỹ có thể nói đã tạo nên kỳ tích lịch sử.
Giờ đây, tròn 50 năm sau chuyến du hành của Apollo 11, NASA đang chuẩn bị đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng năm 2024, chương trình có tên Artemis, vốn là tên chị của nữ thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, nước Mỹ có làm lại được kỳ tích lịch sử như 50 năm trước đó hay không, điều đó chỉ thời gian mới có thể trả lời.