50 năm đất nước đổi mới, văn học Việt Nam hòa nhịp bước đi chung của thế giới

Hội nghị '50 năm văn học Việt Nam từ 1975' mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước.

Người yêu thơ tìm hiểu về các nhà thơ dân tộc tại không gian Ngày thơ Việt Nam 2024. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Người yêu thơ tìm hiểu về các nhà thơ dân tộc tại không gian Ngày thơ Việt Nam 2024. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 27/11, Hội nghị lý luận phê bình “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” khai mạc tại Hà Nội, mang đến cái nhìn tổng quát, chuyên sâu về những thành tựu trong 50 năm qua và xu thế của văn học Việt Nam trong một kỷ nguyên mới.

Hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong 50 năm qua, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động mạnh vào sự phát triển của văn học Việt Nam.

Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975. Đó là giai đoạn văn học được viết trong thời bình, viết bởi các nhà văn Việt Nam trên một mảnh đất từng bị chia cắt. Sau khi chiến tranh kết thúc, các tác giả vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng trong một cách tiếp cận mới và một bút pháp mới, bởi vậy đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng viết bằng một cái nhìn trung thực với lịch sử và cảm xúc.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bước ngoặt thứ hai là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về bút pháp và tư tưởng.

Bước ngoặt thứ ba là khi đời sống chính trị của Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới. Văn học Việt Nam đã có những bước đi chung trong dòng chảy của thế giới và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định hội nghị mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước.

 Quang cảnh hội nghị tổng kết 50 năm văn học Việt Nam từ 1975. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Quang cảnh hội nghị tổng kết 50 năm văn học Việt Nam từ 1975. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cùng chung quan điểm đó, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng sau khi Đảng khởi xướng Đổi mới, văn học đã ráo riết biến chuyển theo "thân nhiệt xã hội."

“Văn học bắt đầu chia tách theo từng mảng khá tương ứng với hiện thực đời sống, ở đó dấu ấn của những cách tân, tìm tòi trong hình thức thể hiện là không thể phủ định. Với thiên lương của mình, văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, vừa cần mẫn vá lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan,” nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định.

Về định hướng phát triển của văn học trong thời kỳ mới, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cho rằng cần tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mỹ học Mác-Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

 Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ kiến nghị cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học, coi đây là cách thức hiệu quả để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.

Ông Kỷ cũng đề cập đến việc tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút lý luận, phê bình; đổi mới thể chế quản lý văn hóa nghệ thuật, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/50-nam-dat-nuoc-doi-moi-van-hoc-viet-nam-hoa-nhip-buoc-di-chung-cua-the-gioi-post995750.vnp