50 năm giải phóng Chơn Thành: Tự hào và khát vọng

Ngày này 50 năm trước, 2-4-1975, Chơn Thành - huyện cuối cùng của tỉnh Bình Long lúc ấy được giải phóng. Trong phạm vi Bình Phước ngày nay, Chơn Thành cũng là địa phương cuối cùng của tỉnh được giải phóng.

Chơn Thành là vùng đất lâu đời, thuộc trấn Biên Hòa (gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước ngày nay) có từ đầu thế kỷ XIX, thời vua Gia Long nhà Nguyễn. Tại khu phố 4, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành ngày nay có một ngôi đình rất nổi tiếng với lịch sử hình thành và phát triển gần 200 năm - một trong những ngôi đình được đánh giá cổ nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đó là đình thần Hưng Long. Ngôi đình đánh dấu thời kỳ “khai sơn, phá thạch” và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt trên đất Bình Phước.

Dẫn ra như thế để thấy hành trình phát triển Chơn Thành đã có bề dày lịch sử ở Đông Nam Bộ. 50 năm trước, thời điểm vừa được giải phóng, có lẽ không nhiều người dân trong tỉnh có thể tưởng tượng 50 năm sau, Chơn Thành lại sầm uất như ngày hôm nay: Một thị xã công nghiệp trọng điểm bậc nhất của tỉnh Bình Phước. Một thị xã có 2 tuyến quốc lộ giao nhau, cũng sẽ có 2 tuyến cao tốc đầu tiên xuất hiện tại Bình Phước giao nhau, là ngã ba kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các tỉnh giáp biên của Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư…

Lật giở lại lịch sử ngày này 50 năm trước, khi các quận, huyện khác đã được giải phóng, Chơn Thành trở thành nơi rút quân về cố thủ cuối cùng của địch tại tỉnh Bình Long và một số địa bàn khác xung quanh bị thất thủ dồn về. Giải phóng Chơn Thành, là mở cánh cửa cuối cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn từ phía Bắc. Vì thế, dấu mốc giải phóng Chơn Thành mang một ý nghĩa rất đặc biệt.

Cách thành phố Đồng Xoài - tỉnh lỵ Bình Phước khoảng 35km, cách thành phố Thủ Dầu Một - tỉnh lỵ Bình Dương khoảng 55km và cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 80km, mật độ dân cư đông đúc, đô thị hóa cao… vì thế Chơn Thành có rất nhiều thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trung tâm công nghiệp không chỉ của tỉnh Bình Phước mà còn của khu vực Đông Nam Bộ trong tương lai.

Đại hội XIII của Đảng đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tầm nhìn đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời, định hướng phát triển các vùng trong cả nước phát triển theo hướng khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...

Đại hội XIII của Đảng đang đi tới những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ 2021-2026. Nhìn vào mục tiêu phấn đấu và định hướng phát triển ấy, Chơn Thành sau 50 năm giải phóng, hôm nay đã “có công nghiệp hiện đại”, ngày mai sẽ “phát huy tốt nhất lợi thế” của mình, “tăng cường tính liên kết” và “tạo không gian phát triển mới...”.

Với tinh thần luôn đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy truyền thống và sự đặc sắc riêng có, Chơn Thành rồi sẽ vươn lên ngày càng mạnh mẽ, toàn diện, đạt được các mục tiêu tiên phong: mạnh về kinh tế, hiện đại về cơ sở hạ tầng, trở thành một đô thị năng động - sinh thái - thông minh, song song đó chất lượng cuộc sống người dân ngày một nâng lên, đời sống văn hóa tinh thần ngày một phong phú.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171007/50-nam-giai-phong-chon-thanh-tu-hao-va-khat-vong