Về thăm Chơn Thành để cảm nhận 'mùi' của lịch sử và 'màu' của thời gian
Ngược dòng lịch sử trở về quá khứ, cách đây 50 năm, sau khi địch bị quân ta bao vây ở cụm cứ điểm An Lộc - Bình Long, thấy không còn khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23-3-1975, địch rút chạy về Chơn Thành. Hơn 10 ngày đêm chiến đấu với hàng chục trận đánh giằng co giữa ta và địch, đúng ngày 2-4-1975, Chơn Thành được giải phóng.
Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long (cũ) đánh đuổi sạch bóng quân thù. Chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thắng lợi của chiến dịch này đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược theo hướng có lợi cho ta; mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Mùi” của lịch sử
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với 2 huyện Bình Long và Lộc Ninh, Chơn Thành là chỗ đứng vững chắc của cách mạng, là mũi tấn công các hướng. Đặc biệt, Chơn Thành là nơi có 2 tuyến quốc lộ 13, 14 đi qua và giao nhau mang tính chiến lược cả về kinh tế lẫn quốc phòng. Chế độ ngụy quân, ngụy quyền xem Chơn Thành - Bình Long là một địa điểm trấn giữ Sài Gòn từ xa. Chơn Thành là một căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy rất kiên cố. Nơi đây trấn giữ lực lượng quân giải phóng ở cửa ngõ Tây Bắc chặn đứng đường 13 trước khi đến Bến Cát, Thủ Dầu Một, là lá chắn vững chắc của cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 6-1-1975, sau khi ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, địch cố thủ dưới chiến hào ở An Lộc - Bình Long. Trong lúc đó, từ ngày 20-3, hai sư đoàn ngụy đã bị ta chặn ở Tây Ninh. Không có khả năng tiếp viện cho nhau và biết chắc sẽ bị tiêu diệt, ngày 23-3-1975, địch rút chạy về Chơn Thành trấn giữ cửa ngõ vùng Tây Bắc Sài Gòn. Ngày 31-3-1975, ta tiếp tục tăng cường thêm lực lượng mở đợt tấn công vào Chơn Thành, đến sáng 2-4-1975 địch tháo chạy.
Bố tôi, ông Nguyễn Xuân Bằng ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương từng là người lính tham gia trong chiến dịch giải phóng Lộc Ninh, Chơn Thành, kể lại: Trong cuộc chiến hết sức cam go ác liệt, ông cùng đồng đội đội nắng, đội mưa hành quân nhiều tháng liền trong rừng sâu, những nơi rừng thưa thì đào hầm để ban ngày trú ngụ, đào bếp Hoàng Cầm để nấu nướng. Những nơi rừng rậm thì đồng đội hành quân ban đêm. Những khó khăn vất vả không nói hết bằng lời, thiếu thốn, sốt rét rừng, ghẻ lở, hắc lào, vắt cắn, đêm lợn rừng kéo nhau từng đàn ra lục lọi xoong nồi… Mặc dù khó khăn gian khổ là thế nhưng những người lính chưa hề chùn bước, nản chí, vẫn một lòng vì miền Nam ruột thịt.
“Màu” của thời gian
Sau ngày giải phóng, người dân bắt tay vào lao động sản xuất, khai phá đất đai, làm vườn rẫy để có lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống. Có lẽ “đất lành chim đậu” nên người dân từ mọi miền đất nước, nhiều nhất là tỉnh Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… tìm đến Chơn Thành xây dựng kinh tế. Vùng đất “mưa bom, bão đạn” năm xưa, nay đã trở thành những vùng chuyên canh nông nghiệp trù phú, những khu công nghiệp, đô thị sầm uất, năng động mang đến cuộc sống no ấm cho người dân.

Thị xã Chơn Thành mang vóc dáng của một đô thị năng động, sinh thái, thông minh - Ảnh: Ðặng Hùng
50 năm sau ngày giải phóng, chúng tôi đến thăm Chơn Thành thấy cảnh vật và con người đều thay đổi. Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, khu trung tâm thương mại hiện đại, khu dân cư Phúc Hưng… và khu nhà ở cho người lao động của Công ty cổ phần Becamex - Bình Phước với hàng trăm căn nhà ở xã hội thu hút công nhân từ nhiều địa phương đến sinh sống và làm việc. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư. Công tác chăm lo sức khỏe của nhân dân được nâng cao. Công tác xóa đói giảm nghèo, các chính sách đối với những người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời và hiệu quả… Điểm nổi bật là sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, kinh tế, xã hội từng bước hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao; quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân thị xã Chơn Thành đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh. Thị xã Chơn Thành đang từng bước xây dựng trở thành đô thị mới văn minh và hiện đại; phát triển mạnh về kinh tế; rút ngắn khoảng cách chênh lệch về đời sống và hạ tầng xã hội từ khu vực trung tâm đến các khu vực khác trên địa bàn. Tương lai không xa, Chơn Thành sẽ là đô thị năng động, sinh thái và thông minh, đáp ứng kỳ vọng của tỉnh Bình Phước và sự mong chờ của các tầng lớp nhân dân thị xã.