50 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm Quảng Trị - Kỳ 4: Người chép sử bằng ống kính
Hiếm có một phóng viên nhiếp ảnh nào đã chụp hàng vạn tấm phim về vùng đất nhỏ hẹp của khúc ruột miền Trung như nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô, bởi ông là người con của quê hương Quảng Trị, mảnh đất của ngút ngàn cát trắng, của bời bời gió Lào và quặn thắt chia ly.
Nhà văn Trần Biên nói về Sỹ Sô thế này... Bốn mươi năm cầm máy với tư cách là người chiến sĩ, phóng viên chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô đã hiến trọn đời mình cho quê hương yêu dấu, đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng và không kém phần nhọc nhằn là phản ánh trung thực, kịp thời và đầy đủ cuộc chiến đấu một mất một còn với giặc Mỹ xâm lược của quân và dân Quảng Trị anh hùng bằng vũ khí được trao, đó là chiếc máy ảnh. Là phóng viên thường trú tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở vùng giải phóng Quảng Trị, Sỹ Sô có điều kiện theo dõi và chứng kiến mọi hoạt động của Chính phủ từ 1973-1975.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh với tên gọi đầy đủ Hồ Sỹ Sô, người đã chụp hàng trăm bức ảnh về lãnh tụ Fidel Castro thăm Quảng Trị năm 1973, thực sự là một nhân chứng sống. Không quá lời khi gọi đây là bộ ảnh độc đáo về sự kiện đón Chủ tịch Fidel Castro thăm Quảng Trị. Năm 1973, Sỹ Sô đảm trách nhiệm vụ nhiếp ảnh của Ty Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Trị. Ông được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị lúc ấy là Hồ Sỹ Thản giao nhiệm vụ quan trọng chụp ảnh hoạt động của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn trong chuyến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị ngày 15/9/1973. Suốt chuyến tiếp đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Sỹ Sô luôn được đi cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nên đã chụp được bộ ảnh khá đầy đủ hoạt động của Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Bộ ảnh được in thành sách: “Fidel Castro - Quảng Trị một ngày lịch sử năm 1973”. Tôi có duyên nợ với Sỹ Sô hơn 30 năm trước, chính xác là từ tháng 8/1989, lúc mới “xuất lò” Văn Tổng hợp Huế chập chững đầu quân vào Báo Quảng Trị và được giao nhiệm vụ gặp cho bằng được ông Sỹ Sô xin học kỹ thuật rửa ảnh buồng tối. Mỗi lần gặp tôi, chuyện trò gì rồi Sỹ Sô cũng “bẻ lái” về Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ, về chuyến thăm Quảng Trị tháng 9/1973 của lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Ông say sưa với những kỷ niệm đẹp ấy.
Bà Hoàng Thị Chẫm, 74 tuổi, nguyên là du kích ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh luôn nâng niu tấm hình kỷ vật vô giá khi được Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt tay hỏi thăm. Bà là nữ xạ thủ tiêu biểu với 9 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, vinh dự được bắt tay Fidel Castro vào chiều 15/9/1973 tại Dốc Miếu. Tác giả của bức ảnh lịch sử ấy là phóng viên Sỹ Sô. Bữa tôi ghé thăm Sỹ Sô ở làng biển Tùng Luật áp thị trấn Cửa Tùng, tình cờ gặp bà Chẫm ở đó. Bà Chẫm ngày ấy là du kích gan dạ nổi tiếng của xã Trung Hải, một xã nằm sát bờ Nam sông Bến Hải và đồi Dốc Miếu, một căn cứ quan trọng của quân đội Mỹ được xây dựng trên hàng rào điện tử McNamara để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ hàng ngày của bà là bắn tỉa lực lượng đối phương tại Căn cứ Dốc Miếu. Bà Chẫm bắn tỉa thiện xạ đến nỗi cái tên Hoàng Thị Chẫm luôn là nỗi ác mộng, khiếp sợ của quân đội Mỹ từ Căn cứ Dốc Miếu.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến báo tin, Sỹ Sô vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hôm rồi tôi mới có dịp đến thăm và chúc mừng ông. Sỹ Sô năm nay đã bước vào tuổi 83. So với vài năm trước, trông ông già và yếu hẳn song vẫn minh mẫn, dẫu giọng nói hơi khó nghe chút xíu. Sỹ Sô xứng đáng với giải thưởng cao quý vừa nhận được bởi những gì ông đã cống hiến cho sự nghiệp nhiếp ảnh nước nhà nói chung và Quảng Trị nói riêng. Đây là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành tặng cho những văn nghệ sĩ đã tận tâm lao động và đã có những tác phẩm văn học nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
“Hàng vạn tấm phim hiện Sỹ Sô đang lưu giữ là một kho tư liệu quý, nhất là tư liệu chiến tranh, những mốc lịch sử quan trọng của đất nước như cuộc Tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968, chiến dịch Xuân-Hè 1972, cuộc Tổng tấn công chiến lược năm 1975... Là phóng viên chiến trường Sỹ Sô cần mẫn ghi lại mọi sự kiện và nhân vật của quê hương Quảng Trị anh hùng. Thông qua ảnh của Sỹ Sô, người xem có thể hình dung được tương đối đầy đủ những bước thăng trầm và những trang sử hào hùng của một vùng đất đã đi vào huyền thoại-điều mà không thể một sớm một chiều và người phóng viên nhiếp ảnh nào cũng có thể làm được. Ở một góc độ nào đó cũng có thể nói rằng anh là người chép sử bằng ống kính”.Nhà văn TRẦN BIÊN
Sỹ Sô bảo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, sáng 14/2/2023 tại thành phố Đông Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã trao 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 2 Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả và đại diện gia đình tác giả. Cố nhà văn Nguyễn Xuân Đức được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm: Kịch bản sân khấu Ám ảnh; Những mặt người thấp thoáng; Nhiệm vụ hoàn thành và tuyển tập kịch Chứng chỉ thời gian. Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân được tặng Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm tranh Lòng mẹ sinh tồn; Mẹ và người lính...
Còn Sỹ Sô được tặng Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm, gồm bộ ảnh: Fidel Castro-Quảng Trị một ngày lịch sử, 1973 gồm 4 ảnh: Niềm vui chiến thắng; Dưới chân Fidel Castro là nòng pháo “vua chiến trường” của Mỹ trên cao điểm 241 Quảng Trị; Quà của nhân dân Quảng Trị do Bí thư Tỉnh ủy mang đến tặng Fidel và phái đoàn Cu Ba; Chào những nữ du kích Gio Linh chiến thắng. Bộ ảnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1960 -1975) gồm 5 ảnh: Tại căn cứ địa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình tiếp các đoàn Chính phủ đến trình Quốc thư; Phái đoàn Chính phủ do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu thăm bộ đội phòng không-không quân Trường Sơn; Phái đoàn Chính phủ thăm bộ đội tên lửa Trường Sơn; Việt Nam toàn thắng; Luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn chào mừng đại thắng.
H.T
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô quê ở phường Đông Thanh, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Hiện ông sống tại làng biển Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Ông là hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tước hiệu HonVAPA; hội viên Quốc gia Liên đoàn nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP); hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.