50 năm Ngày Truyền thống Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt: Những dấu ấn và đóng góp
Suốt những năm tháng dài từ lúc thành lập cho đến hôm nay, dù ở thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào, Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt với vai trò đặc biệt của mình vẫn luôn có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước.

Tòa nhà Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt là một công trình kiến trúc độc đáo
• NHỮNG THĂNG TRẦM NGÀY CŨ
Năm 1939, Đà Lạt - mảnh đất cao nguyên rộng lớn với khí hậu se lạnh đặc trưng thuận lợi cho việc bảo quản máy móc, vật tư và lưu trữ bản đồ là nơi mà thực dân Pháp lựa chọn để đặt Sở Địa dư Đông Dương (nhà máy sản xuất bản đồ quân sự lớn nhất Đông Dương để phục vụ chính sách thực dân xâm lược) sau 40 năm đặt ở Hà Nội. Sau khi chuyển vào Đà Lạt, nơi này được đổi tên thành Sở Địa dư Đà Lạt. Từ năm 1954 - 1975, Sở Địa dư Đà Lạt bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn chiếm dụng trở thành trung tâm sản xuất bản đồ phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam và đổi tên thành Nha Địa dư.
Đầu tháng 4/1975, quân - dân hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức đã đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương. Chiến tranh ác liệt, song quân - dân TP Đà Lạt nói chung và anh em công nhân Nha Địa dư nói riêng đã kiên quyết bảo vệ nhà máy đặc biệt quan trọng này, không cho địch có cơ hội phá hủy trước khi tháo chạy. Cờ giải phóng được kéo lên tung bay trên cột cờ trước Nha Địa dư. Cách mạng đến tiếp quản nhà máy. Tất cả công nhân Nha Địa dư không di tản mà quay lại nhà máy tiến hành rà soát chất nổ, kiểm tra máy móc kỹ thuật... Toàn bộ cơ ngơi Trắc địa - Bản đồ hiện đại với hệ thống thiết bị hoàn chỉnh đều an toàn. Công nhân Nha Địa dư đã vui mừng đến ngộp thở vì máy móc còn, Nha Địa dư còn thì anh em có thể bắt tay sản xuất ngay bản đồ và in ấn các loại tài liệu tuyên truyền phục vụ cách mạng. Những ngày tháng ấy, Nha Địa dư mở hết công suất, in xong 3.000 tập tài liệu, 15.000 lá cờ và 10.000 ảnh Bác Hồ trong hai ngày, kịp thời phân phát cho các đoàn thể và Nhân dân trong ngày đón mừng chính quyền cách mạng vào tiếp quản thành phố và ngày toàn tỉnh được giải phóng (3/4/1975).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Nha Địa dư vào tháng 10/1975. Ảnh: T.L
Ngày 22/4/1975, Ủy ban quân quản TP Đà Lạt đã chính thức bàn giao Nha Địa dư cho Phòng Bản đồ Bộ Tổng Tham mưu. Từ đây, lịch sử của Nha Địa dư bước sang trang mới. Mặc dù mới làm công dân tự do chưa đầy một tháng và Phòng Bản đồ Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp quản lý chưa đầy 10 ngày nhưng công nhân Nha Địa dư đã làm việc suốt ngày đêm, tăng cường thay ca, đổi kíp “chạy đua” với thời gian để đến ngày 26/4/1975 hoàn thành việc in ấn hơn hơn 1.500 bộ bản đồ tỷ lệ 1:100.000 khu vực Sài Gòn - Gia Định, Biên Hòa, Vũng Tàu, Long An phục vụ kịp thời cho bộ đội cấp chiến thuật; in ấn hàng ngàn tờ bản đồ, chủ yếu là bản đồ tỷ lệ 1:25.000 và bản đồ các tỷ lệ khác nhau phục vụ các binh đoàn tham gia tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, ảnh Bác Hồ, cờ giải phóng, tài liệu tuyên truyền cũng đã được in ấn với số lượng lớn để chuyển đến tay cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Sài Gòn. Tất cả công nhân Nha Địa dư đã lặng thầm góp sức vào chiến thắng chung của dân tộc.
Sau ngày giải phóng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều đã đến thăm Nha Địa dư Đà Lạt. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đều đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của Nha Địa dư góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng các thế lực xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng thời, động viên, căn dặn cán bộ, chiến sĩ Nha Địa dư phát huy thành tích phấn đấu không ngừng làm chủ khoa học, kỹ thuật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Đó là động lực để cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Nha Địa dư tiếp tục nỗ lực, cống hiến góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Công nhân Nha Địa dư in ảnh Bác Hồ chuẩn bị cho ngày giải phóng năm 1975. Ảnh: T.L
• “VIÊN NGỌC QUÝ” CỦA ĐÀ LẠT
Sau nhiều lần đổi tên theo quyết định của Bộ Quốc phòng, đến ngày 19/10/1993, Nha Địa dư chính thức được đổi tên thành Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt cho đến ngày nay. Ngoài những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, tòa nhà Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt với kiến trúc mang đậm đặc trưng kiến trúc miền Nam nước Pháp còn là “viên ngọc quý” của TP Đà Lạt, là một phần ký ức của nhiều thế hệ người dân Đà Lạt. Tòa nhà Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt cùng với Nhà ga Đà Lạt và Trường Lyceé Yersin (nay là Cao đẳng Sư phạm) ở ba vị trí gần nhau, cho tới nay vẫn là dấu ấn đứng vững với thời gian về thời kỳ hình thành đô thị châu Âu thu nhỏ trên cao nguyên này.
Cho đến nay, nhiều người dân ở TP Đà Lạt vẫn chưa thể quên vụ hỏa hoạn lúc rạng sáng ngày 9/6/2014 xảy ra tại Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Thật may là những tài liệu lưu trữ tại Xí nghiệp vẫn an toàn, song phong cách kiến trúc độc đáo của tòa nhà đã phần nào bị ảnh hưởng. Với người dân ở thành phố này, đó là sự tổn thất của ký ức. Theo lãnh đạo Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt, trong quá trình sửa chữa phần tòa nhà bị cháy, có rất nhiều phương án được đưa ra, thậm chí có cả phương án đập bỏ tòa nhà và xây dựng mới lại, song lãnh đạo Xí nghiệp đã đề nghị cấp trên về phương án phục dựng bên ngoài như nguyên trạng ban đầu. Bởi ngoài nhiệm vụ chính trị, đó còn là cách để giữ lại ký ức cho người Đà Lạt. Phương án này đã được triển khai. Với sự nỗ lực lớn của các đơn vị liên quan, tòa nhà của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt đã được phục dựng cơ bản nguyên trạng như ban đầu và vẫn là “viên ngọc quý” của TP Đà Lạt, vẫn là một phần ký ức vẹn nguyên của người Đà Lạt.

Đội ngũ cán bộ của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt hôm nay
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt là một đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đóng quân tại TP Đà Lạt. Hiện nay, Xí nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm là sản xuất bản đồ địa hình phục vụ cho công tác tham mưu, chiến đấu, diễn tập,... trong quân đội. Cụ thể, Xí nghiệp đã hoàn thành tốt việc chỉnh lý, tái bản và in mới bản đồ; thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 ngoài lãnh thổ (Trung Quốc, Lào, Thái Lan); thành lập bản đồ địa hình đảm bảo cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (tỷ lệ 1:25.000 và 1:50.000); xây dựng cơ sở dữ liệu và thành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khu vực Quân khu 5; xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quân sự và bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 phục vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn trọng điểm...
Thực hiện nhiệm vụ kinh tế, Xí nghiệp đã làm tốt việc sản xuất bản đồ, đo đạc ngoại nghiệp và in công nghiệp. So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2020 - 2025, doanh thu của Xí nghiệp trung bình đạt 78,44 tỷ đồng, tăng 31%; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,57 triệu đồng, tăng 94%.
Ngoài việc được Bộ Quốc phòng liên tục đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, những người làm việc ở Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt luôn chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, đơn vị đã có 11 trình độ thạc sĩ và 44 trình độ đại học. Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. 5 năm qua, Xí nghiệp đã có 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận, trao thưởng và đưa vào áp dụng hiệu quả trong sản xuất. Đơn vị cũng khuyến khích, động viên việc đào tạo tại chỗ, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt. Đồng thời đầu tư, cải tạo, nâng cấp về hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị ngành In công nghiệp. Vận hành tốt các quy trình của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 góp phần nâng cao năng suất lao động và sự chính quy cho đơn vị.
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tạo chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn toàn tuyệt đối.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt chú trọng quán triệt và thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết cấp ủy các cấp, vận dụng vào tình hình thực tế của đơn vị, đề ra nghị quyết lãnh đạo hàng năm, hàng quý sát, đúng. Tập trung lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ quốc phòng, nhất là các nhiệm vụ đột xuất, trọng tâm, trọng điểm. Triển khai sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chủ đề “tự soi”, “tự sửa”, quán triệt về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng, tăng cường đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ luật, kỷ cương. 5 năm qua, toàn đảng bộ đã xét, đề nghị kết nạp 9 quần chúng ưu tú vào Đảng; xét chuyển Đảng chính thức cho 7 đảng viên dự bị. Với nhiều nỗ lực, từ năm 2020 đến 2023, Đảng bộ đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2024 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ từ 98% - 100%, không có đảng viên vi phạm tư cách...
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt luôn là lá cờ đầu của Công ty TNHH MTV Trắc địa Bản đồ, là một trong những đơn vị đi đầu tại thị trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ trong các lĩnh vực đo đạc, thành lập bản đồ các loại; xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý, bản đồ 3D; in ấn công nghiệp.
Với những gì đã có và đang có, Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt với những con người mang phẩm chất bộ đội Cụ Hồ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị, nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.