50 năm qua góc nhìn một cựu binh Mỹ

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và hướng đến kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Báo ĐTTC đã có cuộc trò chuyện thân tình với ông CHUCK SEARCY (*).

Phóng viên Báo SGGP-ĐTTC và ông Chuck Searcy. ảnh: ĐỖ XUÂN TRUNG

Phóng viên Báo SGGP-ĐTTC và ông Chuck Searcy. ảnh: ĐỖ XUÂN TRUNG

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đến nay đã đi qua nửa thế kỷ. Là một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, ông cảm nhận thế nào?

Ông CHUCK SEARCY: - Hòa bình là khát vọng cháy bỏng của nhân loại, trong đó có các bạn và cả chúng tôi. Với các cựu binh Mỹ, còn là những hành động cụ thể để hàn gắn lại những vết thương từ chiến trường xưa do chúng tôi gây ra, những nơi mà vật liệu nổ nguy hiểm vẫn còn sót lại.

Hòa bình còn có ý nghĩa trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của nhân loại, người dân trong nước và các công dân của thế giới, đặc biệt là những nơi hiện đang giao tranh, bom rơi, đạn bắn đang xảy ra hàng ngày.

Khi tôi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, điều ám ảnh tôi là gương mặt của những đứa trẻ tội nghiệp, với hình ảnh ẩn dụ đó là “những gương mặt cười”. Và câu hỏi đặt ra trong tôi là “tại sao chúng ta lại đem súng đạn để bắn vào những gương mặt cười đó?”. Đây cũng là lý do chỉ sau một năm tham gia chiến tranh ở Việt Nam, tôi trở về Mỹ và bắt đầu tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh này.

- Vì sao ông quay trở lại Việt Nam và cảm xúc của ông khi ấy?

- Năm 1992, tôi quay trở lại Việt Nam cùng với những cựu chiến binh để du lịch khắp Việt Nam. Trong 30 ngày, tôi thăm nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ra Hà Nội bằng nhiều phương tiện để cảm nhận Việt Nam. Khi ấy, không có nhiều du khách đến Việt Nam, người dân rất nghèo, có rất nhiều bom mìn còn sót lại ở nhiều làng quê, thật quá nguy hiểm.

Khi trò chuyện với người dân dọc đường du lịch, tôi nhận thấy mọi người đều rất thân thiện, cởi mở, trái hẳn với tưởng tượng của chúng tôi rằng người dân sẽ giận dữ khi biết chúng tôi là những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Và tôi suy nghĩ rằng cần phải làm gì đó giúp đỡ người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.

Năm 1993, tôi đến Việt Nam một lần nữa, và sau đó quyết định ở Việt Nam suốt từ năm 1995 đến nay, được chứng kiến những sự kiện có tính lịch sử trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam.

- Là nhân chứng thời khắc Việt - Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ, cảm xúc của ông thế nào?

- Tôi nhớ đó là vào tháng 7-1995. Cộng đồng người Mỹ ít ỏi ở Hà Nội xôn xao mong đợi một sự kiện quan trọng. Tổng thống Bill Clinton sắp tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhiều người Mỹ chúng tôi thống nhất chúc mừng sự kiện lịch sử tại Hà Nội. Nhưng ở đâu?

Vào năm 1995, ở Hà Nội không có nhiều sự lựa chọn. Tại một quán bar mới mở ở phố Bảo Khánh, gần hồ Hoàn Kiếm, tôi và những người bạn ngồi chờ đợi. Mỹ với Việt Nam lệch múi giờ, nên chúng tôi phải ngồi chờ đến quá nửa đêm. Tôi hỏi ông Mạnh, chủ quán bar, tivi của ông có thể xem các kênh truyền hình nước ngoài không, ông ấy bảo xem được kênh của đài CNN và ông ấy đã đồng ý.

Sau một hồi xoay chuyển bộ phận thu sóng và dò tìm, cuối cùng ông ấy cũng chuyển được sang kênh CNN để nhóm người Mỹ chúng tôi theo dõi thông báo quan trọng của Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Vào thời điểm Bill Clinton xuất hiện trên camera, sau nửa đêm, những người khách quen của quán Polite Pub được mời uống bia thoải mái, háo hức và phấn khích. Quán bar trở nên im lặng khi ông Clinton bước lên micro và không giải thích gì thêm, cất giọng: “Hôm nay, tôi thông báo việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”. Cả khán phòng rộ lên tiếng reo hò, huýt sáo, các ly bia giơ cao, máy ảnh lóe sáng và ánh sáng nhấp nháy của màn hình tivi. Tiệc ăn mừng bắt đầu.

Ngày hôm sau, trên các kênh truyền hình ở Hoa Kỳ xuất hiện các bản tin thời sự, nhiều tờ báo đăng tải bài viết trang nhất. Cơ hội cho sự hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới.

Người Mỹ bình thường, các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, các giáo sư và sinh viên, doanh nhân, giờ đây đã có thể làm ăn với các đồng nghiệp Việt Nam ở một cấp độ tin tưởng, điều vốn không tồn tại trong quá nhiều năm.

- Nhìn lại 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ông có suy nghĩ gì?

- 30 năm qua đã chứng minh quyết định của các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và Việt Nam, “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” là một quyết định đúng đắn. Trong hầu như tất cả mọi lĩnh vực của nỗ lực - kinh doanh, thương mại, giáo dục, dịch vụ xã hội, giải quyết hậu quả còn sót lại của chiến tranh bao gồm bom mìn và chất da cam.

Hoa Kỳ dần dần lấy lại niềm tin và sự tự tin của các người bạn Việt Nam, ở cấp độ cá nhân và chính thức. Chúng ta tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đang hợp tác cùng nhau để giải quyết hậu quả chiến tranh một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, khâu lại các vết thương như là một phần thiết yếu của việc hàn gắn.

- Ông có thấy năm nay là một năm đặc biệt?

- Đúng. Không chỉ với Việt Nam mà là với cả hai nước chúng ta. Đó là kỷ niệm 50 năm Ngày Việt Nam thống nhất đất nước, 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Những người bạn của tôi là các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam, từ bờ bên kia đại dương đang rất háo hức và chờ đợi sang thăm Việt Nam.

Họ sang đây để thăm lại chiến trường xưa, gặp lại những người bạn Việt Nam, trong đó có những người mà trong một khoảng thời gian của quá khứ đã bất đắc dĩ trở thành những đối thủ của nhau. Có thể với nhiều cựu binh Mỹ, đây sẽ là chuyến đi đến Việt Nam cuối cùng trong cuộc đời họ, vì họ đều đã quá già.

Là những công dân Mỹ, trong đó có nhiều người là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, chúng tôi mong muốn gửi tới Nhân dân Việt Nam lời chào kính trọng và những lời chúc mừng nhiệt liệt nhất, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Chúng tôi xin bày tỏ thái độ ân hận chân thành, sự thông cảm sâu sắc trước sự tàn phá của chiến tranh và những hậu quả tiếp diễn của nó đối với những người vô tội của tất cả các bên.

- Xin cảm ơn ông.

(*) Từ tháng 6-1967 đến tháng 6-1968, ông Chuck Searcy tham gia chiến tranh ở Việt Nam, biên chế trong Tiểu đoàn Tình báo quân sự số 519 ở Sài Gòn.

Năm 1969, trở về Mỹ ông vào học tại Đại học Georgia, và bắt đầu tham gia tổ chức Cựu chiến binh Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (VVAW).

Năm 1995, khi Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông đã sang Việt Nam và làm đại diện cho Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam (VVMF) cho đến nay. Ông đã thành lập Dự án RENEW ở Quảng Trị để rà phá bom mìn và cung cấp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng và tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn. Ông cũng là đồng chủ tịch Nhóm Công tác về Chất da cam của các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam.

Ông hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Để ghi nhận những đóng góp tích cực của Chuck Searcy trong quan hệ Việt - Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng ông Huân chương Hữu nghị.

LƯU THỦY (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/50-nam-qua-goc-nhin-mot-cuu-binh-my-post122318.html