50 năm quan hệ Việt Nam- Pháp: Dấu mốc thúc đẩy quan hệ song phương tiến xa hơn
50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp là dấu mốc quan trọng cho tiến trình thúc đẩy quan hệ song phương tiến xa hơn nữa.
Năm 2023 ghi một dấu ấn đặc biệt khi Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng sẽ là mốc dấu quan trọng để Việt Nam cùng các nước bạn bè đối tác xây dựng khuôn khổ hợp tác mới hướng tới một tương lai thịnh vượng. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện trên khắp thế giới, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng đánh giá cao, được bạn bè quốc tế hoan nghênh, ủng hộ.
Nhìn lại dấu ấn hợp tác 50 năm qua trong quan hệ hợp tác với Việt Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Wanery nhận định:
PV: Thưa Đại sứ, năm 2023 là dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam và Pháp, khi hai nước kỷ niệm tròn 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Quan hệ đối tác chiến lược. Đại sứ nhìn nhận như thế nào về những dấu ấn mang tính chiến lược trong quan hệ Pháp - Việt?
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Wanery: Tôi muốn chia sẻ một kỷ niệm với các bạn. Tôi từng là Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2004 đến năm 2007. Tôi đã được nghe bài phát biểu của Tổng thống Pháp Jacques Chirac vào năm 2004, khi ông thăm Việt Nam. Ông đã nói một cách hùng hồn và cảm động về mối quan hệ Pháp-Việt như sau: “Đây là những mối quan hệ được đánh dấu bởi sức mạnh và sự độc đáo. Đó là một mối quan hệ từ trái tim, một trong những mối quan hệ mạnh mẽ nhất mà bạn có thể tưởng tượng". Pháp là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên hỗ trợ quá trình cải cách và mở cửa của Việt Nam. Pháp vui mừng là đối tác của Việt Nam, khi Việt Nam ghi dấu nhiều thành công trên chặng đường Đổi mới. Hai bên đã thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, kinh tế, phát triển bền vững, môi trường, giáo dục đại học, nghiên cứu, y tế, quản trị, điều hành, v.v. 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp là dấu mốc quan trọng cho tiến trình thúc đẩy quan hệ song phương tiến xa hơn nữa. Chúng ta vẫn có tham vọng lớn trong hợp tác chống biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng….
PV: Thế giới đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Đại sứ, Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức gì của quá trình chuyển đổi số và Pháp có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam trong lĩnh vực này?
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Wanery: Trong lĩnh vực chuyển đổi số, chúng tôi đang thực hiện dự án đầu tiên với Văn phòng chính phủ và các địa phương Việt Nam. Đó là hỗ trợ Việt Nam xây dựng cổng thông tin điện tử, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và vận hành các dịch vụ hành chính một cách trơn tru thông qua các công cụ số hóa. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một chặng đường hợp tác rất dài phía trước.
PV: Vào năm ngoái, Pháp đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới. Trên cơ sở tầm nhìn mới của Pháp đối với khu vực này, quan hệ hợp tác Pháp – Việt thời gian tới sẽ được thúc đẩy như thế nào, thưa Đại sứ?
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Wanery: Pháp đã công bố Chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương gồm 4 trụ cột : An ninh – Quốc phòng ; Kinh tế - Kết nối – Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo; Hợp tác đa phương – Thượng tôn pháp luật; Chống biến đổi khí hậu – Đa dạng sinh học – Quản lý bền vững các vùng biển và đại dương. Pháp đã trao đổi với các đối tác tại Liên minh Châu Âu về các chủ đề này. Sau đó Đức và EU cũng công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình. Mối quan tâm của các chính phủ Pháp về khu vực này ngày càng tăng. Việt Nam nằm ở trung tâm ASEAN, còn ASEAN nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vì vậy, Việt Nam đóng vai trò địa chính trị vô cùng quan trọng trong khu vực. Pháp cũng có vai trò quan trọng tại đây, bởi Pháp cũng là một quốc gia thuộc khu vực. Pháp có bảy vùng lãnh thổ nằm trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với 1,7 triệu dân. Chúng tôi cũng có 7.000 lính đóng quân trong khu vực. Đó cũng là lý do vì sao tàu hải quân của chúng tôi thường xuyên qua lại trong khu vực. Hai nước chúng ta có nhiều thách thức chung, đó là quan hệ đa phương, làm cho mọi nước ven biển tôn trọng luật pháp quốc tế và nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển.
Ngoài ra, Pháp sẵn sàng giúp Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hoặc của EU tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Chúng tôi đã giúp quân đội Việt Nam đào tạo về quy tắc gửi quân nhân và sĩ quan tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Chúng tôi rất vui mừng về triển vọng có thể hợp tác với Việt Nam để bảo vệ hòa bình trong khu vực này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc phỏng vấn này!