Hội thảo khoa học 30 năm gia nhập và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 của Việt Nam
Ngày 15-11, tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề '30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam'.
PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Luật và Tổng biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có GS, TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế, Liên hợp quốc; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các vụ, viện, trường đại học và các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong lĩnh vực luật biển quốc tế.
Phát biểu khai mạc, PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh chia sẻ, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” của cộng đồng quốc tế, điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc, là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác quốc tế ở cấp độ khu vực, liên khu vực, toàn cầu để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến biển và đại dương.
Trước sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương; sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị quốc tế… UNCLOS 1982 cũng cần phải thay đổi để tiếp tục hoàn thiện, phát huy giá trị pháp lý quốc tế trong hiện tại và tương lai.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học bàn luận tổng thể và chuyên sâu về giá trị phổ quát, vai trò, tầm quan trọng của UNCLOS 1982 cũng như quá trình gia nhập và thực hiện UNCLOS 1982 của Việt Nam trong 30 năm qua, kể từ ngày UNCLOS 1982 có hiệu lực (16-11-1994).
Tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước mong muốn các chuyên gia, học giả cùng các nhà khoa học chia sẻ những góc nhìn mang tính thực tiễn nhất về vai trò, đóng góp của UNCLOS 1982 đối với tất cả các khía cạnh liên quan như không gian biển và đại dương; nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường; phân định vùng biển và giải quyết tranh chấp; phát triển hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế; việc thực thi các hoạt động quân sự trên biển và đại dương; việc xây dựng đảo, các công trình và hạ tầng nhân tạo; hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển…
Trình bày tham luận trong phiên toàn thể, PGS, TS Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế-Luật nêu, sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước UNCLOS, chúng ta đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Biển Việt Nam được quốc hội thông qua vào ngày 21-6-2012, đó là cơ sở pháp lý để Việt Nam thực thi chủ quyền, quyền tài phán, quyền tự do khác được quy định trong khung luật UNCLOS.
Đồng thời, dựa trên nền tảng UNCLOS 1982, Việt Nam đã đàm phán và ký hết hàng chục văn bản, điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực vận tải biển, an ninh biển, đánh bắt cá và bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học về biển. Có thể nói rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu cho việc vận dụng UNCLOS 1982 cả về khía cạnh xây dựng luật pháp quốc gia và đồng thời ký kết các điều ước quốc tế.
Sau phiên toàn thể, hội thảo diễn ra hai phiên thảo luận song song về các chủ đề: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - Hiến pháp về biển và đại dương của cộng đồng quốc tế; 30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam. Các nhà khoa học, diễn giả, đại biểu, khách mời tham dự đã thảo luận sôi nổi, nêu ý kiến đóng góp, tập trung vào các nội dung như: Truyền bá, phổ biến, thực hiện có hiệu quả Công ước và pháp luật về biển của Việt Nam.
Kết luận nội dung của hai phiên thảo luận chuyên môn, GS, TS Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh: “Hiện nay Việt Nam có tâm thế của một quốc gia biển, cường quốc biển tầm trung trong khu vực và thế giới. Các chuyên gia luật biển của Việt Nam hoàn toàn sánh vai với bạn bè trên thế giới”.
Các nhà khoa học đều đồng ý, UNCLOS 1982 đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò to lớn trong việc bảo vệ, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trên mọi lĩnh vực, Việt Nam đều nỗ lực tham gia, đóng góp, xây dựng bằng những giải pháp có trách nhiệm, hiệu quả trên tinh thần và quy định của UNCLOS 1982.
Tin, ảnh: KIỀU OANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.