50 năm Thống nhất đất nước: Tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ Thông tấn xã Giải phóng
Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng luôn tự hào khi được cống hiến, hy sinh xương máu để góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đoàn nguyên cán bộ TTXVN dâng hương, tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại bia Di tích Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 1/4, Đoàn nguyên cán bộ là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức chương trình về nguồn và Lễ dâng hương tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ tại Khu di tích Thông tấn xã Giải phóng: Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
Bia tưởng niệm các liệt sỹ Thông tấn xã Giải phóng là nơi ghi dấu những kỷ niệm sâu sắc trong suốt 15 năm (từ 12/10/1960 đến 30/4/1975) đóng quân, chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trên chiến trường miền Nam. Rất nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng đã cống hiến, chiến đấu và hy sinh trên chiến trường này, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, xen lẫn tự hào, Đoàn đã tổ chức dâng hương, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sỹ - những người con ưu tú của dân tộc, đã không tiếc máu xương, dâng trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

Các đại biểu tưởng niệm các thế hệ chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Khu lưu niệm. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy (75 tuổi, nguyên phóng viên khóa GP10 của Thông tấn xã Giải phóng) chia sẻ, từ sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, sau mỗi 5 đến 10 năm, các cán bộ nguyên là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng đều tổ chức trở về chiến trường xưa, ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong hoạt động, chiến đấu thời kháng chiến tại Thông tấn xã Giải phóng.
Chuyến về nguồn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vào đúng dịp cả nước đang chuẩn bị cho dấu mốc lịch sử quan trọng, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng luôn tự hào khi được cống hiến, hy sinh xương máu để góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thông tấn xã Giải phóng luôn tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam. Không chỉ cầm súng để bảo vệ căn cứ, bảo vệ nơi trú đóng, tất cả phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt tại những nơi chiến đấu ác liệt nhất như những người lính, sẵn sàng hy sinh như những người lính.

Đoàn nguyên cán bộ phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Thông tấn xã Giải phóng - rừng Quốc gia Lò Gò-Xa Mát (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Thông tấn xã Giải phóng đã có khoảng 265 Liệt sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu. Khóa phóng viên GP10 cũng có 3 Liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên chiến trường.
Nhà báo Bùi Thanh Liêm (77 tuổi, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng) cho biết, thời gian sống và làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng đã để lại rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Mặc dù khó khăn, gian khổ, khi vừa chiến đấu, vừa phải làm nhiệm vụ thông tin, nhưng những nhà báo-chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng đã không quản ngại hy sinh, kịp thời phản ánh những thông tin “nóng” từ chiến trường, giữ cho dòng thông tin của Thông tấn xã Giải phóng luôn chảy, mặc cho mưa bom, lửa đạn của kẻ thù liên tục trút xuống.
Trong chuyến về nguồn lần này, mọi người đều rất vui mừng trước sự thay da, đổi thịt của tỉnh Tây Ninh, nơi từng là căn cứ địa kháng chiến đầu não của cách mạng miền Nam, tự hào trước những thành tựu phát triển của đất nước về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh sau 50 năm giải phóng.
Nhà báo Bùi Thanh Liêm mong muốn, Bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng sẽ luôn luôn là “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục kế thừa, phát huy thành quả của các thế hệ đi trước, tiếp tục học tập, lao động xây dựng quê hương ngày càng phát triển hùng cường và thịnh vượng.

Khu di tích Thông tấn xã Giải phóng nằm trong quần thể khu căn cứ cách mạng rừng Quốc gia Lò Gò-Xa Mát thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng được Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam (nay là Trung tâm thông tin TTXVN khu vực phía Nam) xây dựng năm 2000, tại chính khu rừng lịch sử, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát.
Trên Bia tưởng niệm khắc 16 chữ vàng do Trung ương Cục miền Nam tặng Thông tấn xã Giải phóng lúc bấy giờ là: "Cần cù, dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ"./.