50 năm Việt Nam tham dự IMO: Niềm tự hào không chỉ ở huy chương
Trong 50 năm tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), đội Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi với 271 huy chương, trong đó có 69 Huy chương Vàng, đem lại tự hào, vinh quang về cho đất nước.
Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp cùng Hội Toán học Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (1974 - 2024).
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) là Kỳ thi Toán học thế giới dành cho học sinh trung học được tổ chức hàng năm. Kỳ thi được tổ chức từ năm 1959 tại Romania, Việt Nam bắt đầu tham gia năm 1974 đến nay và đã có 48 lần cử đội tham gia các Kỳ thi Olympic Toán quốc tế với 288 thí sinh dự thi (trong đó có 18 thí sinh nữ), đạt thành tích 271 huy chương (trong đó: 69 vàng, 117 bạc, 85 đồng), tỷ lệ học sinh được huy chương là 94%.
Trong suốt lịch sử 50 năm đã có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh được 2 huy chương vàng. Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã tham gia dẫn đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi IMO trong 10 năm cho hay, nếu tính từ năm 2013 đến năm 2024, Việt Nam xếp hạng từ 5 đến 15. Có 3 năm đội Việt Nam đứng thứ 3 trên toàn thế giới. Trong đó, năm 2017, Việt Nam có thành tích tốt nhất với 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Đây là điều đáng tự hào, tăng vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là đã thúc đẩy tinh thần học Toán trong các trường, đặc biệt là các trường chuyên.
“IMO đã tạo nên phong trào học Toán, khoa học tốt hơn rất nhiều. Hằng năm, 6 bạn đi thi IMO chỉ là một góc nhỏ chúng ta tự hào. Ý nghĩa lớn hơn của việc này là thúc đẩy tinh thần học Toán của hàng ngàn học sinh ở các trường chuyên trên khắp cả nước”, GS Lê Anh Vinh nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong 50 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế, đạt được thành tích rất tốt, ngay ở năm đầu tiên. Tuy nhiên, điều chúng ta tự hào không chỉ ở môn Toán đi thi quốc tế, mà là nhiều nhà khoa học sử dụng môn Toán đã đạt được những thành công rất lớn ở trong nước và thế giới.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT luôn đề cao vai trò môn Toán từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu; nhất là trong giai đoạn phát triển khoa học công nghệ như hiện nay.
Nhưng trong các trường đại học, ở một số ngành, một số lĩnh vực vẫn có hiện tượng coi nhẹ môn Toán. Nhiều chương trình, nhiều ngành đã giảm đi thời lượng môn Toán. Việc giảng dạy môn Toán ngay cả ở trong nhiều trường kỹ thuật giảm sự hấp dẫn.
Thứ trưởng Sơn mong trong thời gian tới, với sự chung tay của các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, chúng ta hãy quan tâm hơn tới việc dạy và học môn Toán, làm sao cho học sinh học môn Toán có hiệu quả hơn.
“Phải làm tốt hơn việc dạy từ phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở bậc đại học. Làm sao Toán học không chỉ chiếm thời lượng nhiều hơn trong chương trình đại học mà việc dạy và học Toán phải tạo hứng thú tốt hơn, hiệu quả hơn cho người học. Như vậy, sự phát triển mới bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, khâu tuyển chọn đội tuyển IMO có ý nghĩa quyết định đến thành tích của đội tuyển trên trường quốc tế. Khâu này vẫn cần làm tốt hơn nữa, sao cho đội tuyển phải là tập hợp của 6 thành viên ưu tú nhất về toán học của học sinh THPT Việt Nam.
Đưa ra định hướng, ông Hà cho hay, công tác tuyển chọn phải bảo đảm sự khách quan, công bằng. Theo đó, những học sinh được lựa chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế phải là những học sinh giỏi nhất. Để làm được điều đó, việc tuyển chọn đội tuyển quốc gia thi Olympic Quốc tế phải tiếp cận nội dung, hình thức thi của khu vực và quốc tế. Việc này đã và đang làm những năm gần đây.
Cùng với đó, cần đổi mới, tăng cường huy động giáo viên giỏi toàn quốc trong việc ra đề thi, nhằm nâng cao chất lượng đề thi, đồng thời các giải pháp coi thi, chấm thi được thay đổi sao cho bảo đảm tính khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh.
Đồng thời phát huy, tăng cường tính chịu trách nhiệm của cơ sở chủ trì tập huấn và các thầy cô dẫn đoàn. Đây là một việc rất quan trọng.