50% startup đang hoạt động cầm chừng vì Covid-19

Khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp với trên 254 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho hay, có tới 50% startup lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể.

Theo báo cáo của Startup Genome, 41% các startup toàn cầu đa số không có sẵn vốn để vận hành trong 3 tháng. Đó là một trong những thống kê cảnh báo trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch, và nó cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp rất mong manh.

Tại Trung Quốc, trong tháng 3-4, khoảng 57% các thương vụ đầu tư đã sụt giảm trong bối cảnh cả nước bị phong tỏa, cách ly cộng đồng do ảnh hưởng của Covid-19.

Trong khi đó, ở Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon hiện đã tạm dừng hoạt động đầu tư và chưa biết khi nào có thể nối lại đầu tư, khiến nhiều startup lâm vào cảnh khốn đốn.

Theo kế hoạch năm 2020, Quỹ tầm nhìn của SoftBank đầu tư vào 88 startup, trong đó có WeWork, Uber và DoorDash, tuy nhiên, đại diện của Quỹ cũng cho biết sẽ chỉ một số ít startup trong danh mục đầu tư này có thể nhận đủ tiền mặt theo kế hoạch.

Các nhà đầu tư từ Greycroft, Menlo Ventures và Mayfield cũng cho biết các công ty đang phải cắt giảm chi phí, thu hẹp kế hoạch tăng trưởng và tập trung duy trì bảo tồn vốn, vì thế rất khó để mở rộng đầu tư vào các startup mới.

Đối mặt với hiểm họa này, 3/4 startup tại 45 quốc gia đã phải sa thải nhân viên toàn thời gian vì dịch bệnh, theo báo cáo của Startup Genome.

Thế giới startup đi qua 6 tháng dịch bệnh

Thế giới startup đi qua 6 tháng dịch bệnh

Tại Việt Nam, các startup cũng không ngoại lệ khi gặp áp lực rất lớn về tài chính. Mặc dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng startup thực sự khó có thể tiếp cận gói tín dụng này.

Đặc điểm chung của startup là sản phẩm vô hình, sản phẩm trí tuệ, không có tài sản thế chấp, nên dù thời điểm nào đi nữa cũng không dễ vay được vốn từ ngân hàng. Ngoài ra, startup có hệ số rủi ro rất cao nên đa số các ngân hàng chẳng mặn mà quan tâm.

Khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp với trên 254 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho hay, có tới 50% startup lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể.

23% startup cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường, 20% startup đóng băng hoàn toàn, phải dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế và phong trào khởi nghiệp đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ bị chững lại. Thiệt hại tổng cộng ước tính trong 4 tháng đầu năm khoảng 152,6 tỷ đồng, số tiền thiệt hại vào khoảng 200-500 triệu đồng đối với mỗi startup.

Dòng vốn cho khởi nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần đều đang dồn hết sức bảo vệ những khoản đầu tư để trụ vững. Dòng vốn được đầu tư mới hầu như chỉ dành cho các startup thực sự có tiềm năng thuộc lĩnh vực y tế và các nền tảng làm việc, học tập online.

Dòng tiền của startup bị gián đoạn nghiêm trọng trong khi các chi phí như: mặt bằng, lương nhân viên, chi phí vận hành... vẫn phải duy trì khiến lượng tiền mặt của đa phần startup cạn kiệt.

Để có thể sống sót qua dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển hướng kinh doanh từ offline sang online, đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Thậm chí khi dịch bệnh qua đi, kênh online sẽ được ưu tiên hơn kênh bán offline.

Áp lực do Covid-19 đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp cho đến sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của startup vẫn được duy trì trong khi nhân viên áp dụng chế độ làm việc tại nhà. Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà là con đường bắt buộc của startup.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/50-startup-dang-hoat-dong-cam-chung-vi-covid-19-1597039997532.htm