Phát huy hiệu quả vốn ngân sách và đầu tư công

Trong phiên thảo luận ngày 5/11 về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch ngân sách trung ương năm 2025, các đại biểu Quốc hội đã phân tích nhiều vấn đề cốt lõi và đề xuất giải pháp nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các ý kiến tập trung vào việc quản lý và giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện chi tiêu công và nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ hạ tầng và doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả giải ngân và quản lý vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,29% so với kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước (51,38%). Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, việc chậm giải ngân đã khiến 13.300 tỷ đồng ngân sách chưa được phân bổ, trong khi nhiều lĩnh vực quan trọng cần vốn để phát triển.

Tương tự, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) cũng cho biết, tỷ lệ giải ngân cho các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 51%, trong đó chương trình cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 53%. Ông Tâm đề xuất cần có biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn.

Đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cũng nhấn mạnh về việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phê duyệt các dự án đầu tư công. Ông cho rằng một số dự án vẫn triển khai kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đề xuất tăng cường hướng dẫn các địa phương về thu ngân sách và giải ngân vốn để giúp các tỉnh, thành phố chủ động hơn trong việc chi tiêu.

Các đại biểu tập trung thảo luận về phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả ngân sách và tránh lãng phí. Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, mặc dù thu ngân sách có cải thiện, việc sử dụng ngân sách chưa tối ưu. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu vốn cho các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, y tế, giáo dục. Ông đề xuất tách riêng các khoản chi cho các ngành này để đảm bảo nguồn lực không bị ảnh hưởng bởi tình hình ngân sách chung.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các đại biểu đều đồng thuận rằng hỗ trợ doanh nghiệp là yếu tố then chốt để duy trì nguồn thu ổn định cho ngân sách. Đại biểu Sơn nhấn mạnh cần hỗ trợ nhanh chóng các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất. Ông cũng đề xuất các chính sách tài chính linh hoạt cho các lĩnh vực như bất động sản và năng lượng. Các chính sách này không chỉ nên tập trung vào thuế, mà cần mở rộng với chương trình hỗ trợ phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh.

Một số đại biểu cũng đề cập đến các quỹ tài chính công như quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp, quỹ khoa học công nghệ. Đại biểu Huân cho rằng, cần giám sát chặt chẽ và đánh giá hiệu quả các quỹ hiện tại để tránh lãng phí. Ông đề nghị tái cơ cấu các quỹ chưa đạt hiệu quả, đồng thời thành lập thêm quỹ phục vụ cho các ngành chiến lược nhằm tăng cường nguồn lực.

Giải ngân đầu tư công vẫn ở mức thấp

Giải ngân đầu tư công vẫn ở mức thấp

Đổi mới trong phân bổ ngân sách và giải ngân đầu tư công

Giải trình ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày các giải pháp trọng yếu nhằm quản lý ngân sách nhà nước hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và ổn định tài chính quốc gia. Ông nhấn mạnh đến việc phân bổ và giải ngân đầu tư công, chính sách tiết kiệm chi, tự chủ tài chính tại các đơn vị công lập, cùng những nỗ lực mở rộng nguồn thu ngân sách.

Theo Phó Thủ tướng, các quy định thủ tục chặt chẽ hiện nay đang gây trở ngại cho quá trình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, các dự án cần được rút gọn thủ tục phê duyệt định mức và đơn giá để tránh tình trạng chậm giải ngân, đặc biệt là với các hoạt động khoa học công nghệ, khi chỉ mới thực hiện được hơn 1% trong tổng ngân sách chi. Để cải cách, ông đề xuất việc phân bổ ngân sách sau phê chuẩn sẽ được giao trực tiếp cho các bộ, ngành và địa phương để tự triển khai theo quy định, đảm bảo hiệu quả và minh bạch.

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng việc tiết kiệm chi là thiết yếu để tối ưu hóa ngân sách nhà nước. Đến nay, các biện pháp cắt giảm chi phí không cần thiết đã tiết kiệm được 7.000 tỷ đồng. Ông nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này trong các khoản chi tiêu từ công tác phí, hội nghị đến mua sắm. Những khoản tiết kiệm này sẽ giúp tăng nguồn lực phục vụ các hoạt động phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.

Về khắc phục thách thức trong các dự án mục tiêu quốc gia và tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một trong những thách thức lớn là thiếu đất cho các dự án san lấp do đất được coi là khoáng sản, dẫn đến rào cản pháp lý. Theo đó, Chính phủ sẽ xem xét lại quy định này để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Đối với các đơn vị công lập, đặc biệt là các bệnh viện lớn, ông cho biết Chính phủ đã đồng ý để họ tự chủ trong chi tiêu thường xuyên, trong khi đầu tư cơ sở vật chất sẽ được hỗ trợ từ ngân sách.

Về các quỹ tài chính, Phó Thủ tướng cho biết quỹ bảo hiểm xã hội hiện có số dư lớn, chủ yếu được đầu tư vào trái phiếu nhằm đảm bảo an toàn tài chính. Chính phủ cũng thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, góp phần kích thích kinh tế. Nhờ cải cách phương thức thu ngân sách, đặc biệt là thu thuế điện tử, các nguồn thu từ thương mại điện tử và bất động sản đã gia tăng đáng kể.

Đối với thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay các cơ quan thuế đã thu được hơn 18.600 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài, đồng thời tăng thu từ các sàn trong nước. Để đảm bảo minh bạch và hiệu quả quản lý doanh thu, Bộ Tài chính sẽ sớm triển khai công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát các hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử. Dự kiến, công cụ này sẽ ra mắt trong tuần tới, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài chính của Chính phủ.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-huy-hieu-qua-von-ngan-sach-va-dau-tu-cong-157506.html