50 thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị khởi động cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Đài Loan
50 Thượng nghị sĩ liên đảng ngày 1/10 đã cùng ký tên vào thư gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, kêu gọi nhanh chóng triển khai đàm phán về hiệp định thương mại song phương (BTA) Mỹ - Đài Loan.
Theo trang tin Deutsche Welle, 50 Thượng nghị sĩ trong đó có 8 Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ và 42 Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, chiếm một nửa Thượng viện đã gửi cùng ký tên vào một lá thư chung gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer kêu gọi đàm phán về Hiệp định Thương mại song phương Mỹ - Đài Loan (BTA) càng sớm càng tốt. Bức thư nhấn mạnh rằng hợp tác với Đài Loan sẽ giúp thiết lập mạng lưới hợp tác Ấn Độ - Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc.
Hai đồng chủ tịch của tổ chức “Kết nối Đài Loan” của Thượng viện, các Thượng nghị sĩ James Inhofe, Chủ tịch Ủy ban quân sự và Robert Menendez Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, đã dẫn đầu cuộc vận động. Tổng cộng có 50 Thượng nghị sĩ, trong đó có Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Thượng viện đã cùng kí tên vào thư ngỏ gửi ông Lighthizer.
Quan hệ Mỹ - Đài Loan gần đây trở nên thân thiết với các chuyên thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Trong ảnh: bà Thái Anh Văn tiếp Bộ trưởng Y tế Mỹ Azar (Ảnh: CNA)
Bức thư ngỏ chỉ ra rằng Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Mỹ, hiện nay Đài Loan tạo ra việc làm cho 208.000 người Mỹ. Sức mạnh kinh tế ổn định của họ chứng tỏ con số này sẽ chỉ tăng mà không giảm sau khi hiệp định thương mại Mỹ - Đài được ký kết.
Bức thư nêu rõ Trung Quốc đang cố gắng giành quyền kiểm soát ở khu vực và toàn cầu. Do đó, hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan cũng sẽ giúp Mỹ đa dạng hóa các nguồn trong chuỗi cung ứng giúp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, vốn đang tìm cách sử dụng chuỗi cung ứng như một công cụ để dẫn đầu trong khu vực và quốc tế.
Bức thư ngỏ chỉ ra rằng khi mà Mỹ tìm cách thúc đẩy sáng kiến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, các thượng nghị sĩ tin rằng đây là thời điểm để thiết lập các hiệp định thương mại với đối tác có quan niệm gần gũi trong khu vực. Đài Loan là đối tác kinh tế lâu dài và đồng minh an ninh lâu dài của Mỹ, các Thượng nghị sĩ mạnh mẽ khuyến nghị nên đàm phán chính thức với Đài Loan về một hiệp định thương mại toàn diện.
Ngoài ra, nếu Mỹ muốn thúc đẩy tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, họ chắc chắn sẽ phải chống lại các biện pháp thương mại không công bằng của Trung Quốc trong khu vực. Do đó, hợp tác với các chính phủ Đài Loan có quan niệm tương tự sẽ giúp thiết lập một mạng lưới thương mại thị trường mở, cạnh tranh công bằng.
Việc Đài Loan bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Mỹ đã mở đường cho việc ký kết hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Đài (Ảnh: Deutsche Welle)
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi cuối tháng 8 đã tuyên bố sẽ mở cửa nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chứa chất Ractopamine tăng nạc, gây ra tranh cãi dữ dội ở Đài Loan.
Ractopamine là một chất phụ gia được thêm vào thức ăn chăn nuôi, có thể làm tăng tỷ trọng nạc của thịt lợn và thậm chí rút ngắn thời gian chăn nuôi. Kể từ năm 2007 trở lại đây, Đài Loan đã nhiều lần xuất hiện biểu tình phản đối việc nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ. Tuy gần đây tổ chức Thú y của Mỹ (OIE) đã đánh giá có thể bỏ qua rủi ro đối với cơ thể người do ăn thịt có chứa chất tăng nạc Ractopamine, nhưng thịt lợn Mỹ vẫn là một chủ đề nhạy cảm.
Sau khi bà Thái Anh Văn tuyên bố mở cửa cho thịt lợn Mỹ, tiếp đó Đài Loan cũng công bố tiêu chuẩn dư lượng ractopamine, mở đường cho việc hai bên đạt được một thỏa thuận về nhập khẩu thịt lợn và thịt bò Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021. Tổ chức Ý kiến Công chúng Đài Loan đã đưa ra một cuộc thăm dò vào ngày 28/9, cho thấy khoảng 60% người dân không tán thành việc mở cửa đối với thịt lợn của Mỹ. Mặc dù tỷ lệ người đồng ý với cách tiếp cận chính trị nhà nước của bà Thái Anh Văn vẫn cao hơn số không tán thành, nhưng tỷ lệ ủng hộ đã giảm từ 43,7 điểm phần trăm vào tháng 8 xuống 23 điểm phần trăm, tương đương với mức giảm 20,9 điểm phần trăm.
Bức thư của 50 Thượng nghị sĩ Mỹ cũng nêu rõ, mặc dù khi triển khai hiệp định với Đài Loan tồn tại thách thức về tiêu chuẩn nông nghiệp, nhưng Đài Loan đã thông báo rằng họ sẽ dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm thịt lợn và thịt bò của Mỹ và hy vọng sẽ đối thoại thêm. Một khi biện pháp này được thực hiện, nó sẽ giúp gia tăng đáng kể trao đổi thương mại giữa nông dân và chủ trang trại Mỹ với các thương gia Đài Loan. Do sự phát triển quan trọng này, Mỹ nên thúc đẩy thực chất các cuộc đàm phán với Đài Loan về một hiệp định thương mại song phương toàn diện.
Vấn đề Đài Loan khiến quan hệ Trung - Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ (Ảnh: finance.technews).
Đài Loan từ lâu nay vẫn luôn tìm kiếm ký được một hiệp định mậu dịch tự do với Mỹ, nhưng Mỹ luôn lảng tránh một phần do bất bình với việc Đài Loan cấm nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của Mỹ, một phần do thận trọng trước phản ứng của Bắc Kinh. Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 2/10 cho biết, tổng kim ngạch mậu dịch Mỹ - Đài Loan năm 2019 đạt 85,5 tỷ USD, trong đó Mỹ nhập siêu 23.1 tỷ USD. Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 14 của Mỹ năm 2019.
Quan hệ Mỹ - Đài Loan đang dần dần trở nên thân thiết hơn bất chấp sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc với hai chuyến thăm chính thức liên tiếp của Bộ trưởng Y tế Azar và Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach.
Hiện chưa thấy Bắc Kinh có phản ứng gì về động thái mới này của các nhà lập pháp Mỹ.