Tổng thống Ba Lan đánh giá quyết định cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga

Ngày 18/11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước này sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có thể là thời điểm mang tính quyết định trong cuộc chiến.

Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 của Mỹ trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Kharkiv. Ảnh: AP/TTXVN

Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 của Mỹ trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Kharkiv. Ảnh: AP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Ba Lan nói: "Tôi hoan nghênh quyết định này của Tổng thống Joe Biden và các đồng minh của chúng tôi với sự hài lòng. Tôi tin rằng Ukraine phải có phương tiện để tự vệ hiệu quả. Điều này bao gồm việc đẩy lùi hậu phương của Nga để ngăn không cho ở quá gần tiền tuyến, đặc biệt là trong tình huống người Nga đang mời các đồng minh của họ tham gia cùng họ trong cuộc chiến này. Do đó, tôi tin rằng quyết định của Tổng thống Biden là rất cần thiết."

Ông cho biết rằng các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ - cường quốc lớn nhất ủng hộ Ukraine - không lừa dối hoặc quay lại hợp tác với Moskva. Thay vào đó, những nước này đang kiên định ủng hộ Ukraine, cung cấp hỗ trợ và đưa ra phản ứng mạnh mẽ đối với các cuộc tấn công ác liệt của Nga.

Ngoài ra, ông Andrzej Duda cũng chỉ trích Đức khi đã tuyên bố sẽ không điều chỉnh chính sách của mình theo Mỹ. Ông cũng bày tỏ sự không đồng tình với cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 15/11 vừa qua.

Ba Lan hiện dẫn đầu trong cung cấp viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra nếu tính theo Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Ba Lan là quốc gia đầu tiên phản ứng và hỗ trợ nước láng giềng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhất là trong việc cung cấp vũ khí. Ba Lan đã phân bổ khoản viện trợ tương đương 4,91% GDP cho Ukraine, trong đó 0,71% GDP là hỗ trợ trực tiếp và 4,2% GDP là hỗ trợ người tị nạn Ukraine. Tổng giá trị vũ khí được chuyển giao lên tới 3,23 tỷ euro.

Trong số 800 xe tăng được chuyển giao cho Ukraine, có hơn 350 xe tăng được Ba Lan cung cấp, bao gồm hơn 240 xe tăng T-72, 60 xe tăng PT-91 và 14 xe tăng Leopard 2A4. Ngoài ra, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine 14 máy bay chiến đấu MiG-29, 12 trực thăng Mi-24, 250 xe chiến đấu bộ binh, hơn 100 đơn vị pháo tự hành (SPG) và hơn 30 hệ thống phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad.

Về hoạt động huấn luyện, đào tạo, Ba Lan đã đào tạo khoảng 25.000 binh lính Ukraine, bao gồm phi công, lính tăng, pháo binh, chuyên gia hậu cần và kỹ thuật viên.

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan ngày 4/3/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan ngày 4/3/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Liên quan đến việc Mỹ cho phép Ukraine được sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, động thái này được đánh giá đã đảo ngược chính sách Mỹ theo đuổi xuyên suốt gần 3 năm qua. Quyết định này được đưa sau ra khi Nga, với sự hỗ trợ của lực lượng bên thứ ba, đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào lực lượng Ukraine với hy vọng giành lại lãnh thổ ở tỉnh Kursk mà Ukraine đã chiếm được vào tháng 8.

Ở chiều ngược lại, quyết định cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Nhà Trắng vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ Nga. Thượng nghị sĩ Andrei Klishas của Nga khẳng định: "Phương Tây đã chọn mức độ leo thang có thể khiến tình trạng quốc gia của Ukraine có thể bị phá nát hoàn toàn trước khi trời sáng".

Trong khi đó, ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga khẳng định động thái phản ứng của Moscow sẽ đến nhanh chóng và cho biết: "Đây là bước đi rất lớn hướng đến việc khởi đầu Thế chiến 3".

Bình Thanh/Báo Tin tưc (Theo Reuters, RT, AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/tong-thong-ba-lan-danh-gia-quyet-dinh-cho-phep-ukraine-tan-cong-vao-lanh-tho-nga-20241118231233975.htm