53/63 tỉnh, thành đang nợ tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) nhận định như vậy tại Phiên thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quốc hội (QH) ngày hôm nay ( 4/11).

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Phát biểu tại Phiên họp, ĐB Phương nhận định: chưa có một chương trình nào được toàn dân ủng hộ và tham gia tích cực như Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt, người dân đón nhận và đồng thuận rất cao.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, sâu rộng, tạo được bước đột phá đáng kể, làm cho bộ mặt nông thôn ở từng địa phương có những thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã có những cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao và cảnh quan môi trường cũng được đổi mới.

Tuy nhiên, ĐB Phương cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều hạn chế.

Hạn chế đầu tiên, theo ông là vấn đề nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng yêu cầu bức thiết của các địa phương và chưa tính kỹ đến các miền, vùng, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm và thiếu đồng đều. Ví dụ, vùng Đông Nam Bộ 46,4%, sông Hồng 43,8%, nhưng miền núi phía Bắc chỉ 8,2%

Hạn chế thứ 2, theo ĐB Phương, là một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý gây lãng phí như tiêu chí về chợ, về trung tâm bưu điện. Không ít chợ xây xong đã lãng phí trong lúc đó lại thiếu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đặc biệt là các nhà văn hóa ở từng thôn, bản.

ĐB Phương cũng cho rằng tư duy của người dân về sản xuất nông nghiệp đang theo hướng sản xuất hàng hóa chưa mạnh, ý thức tổ chức mang tính tự cung, tự cấp, chưa chú trọng đến phát triển hàng hóa và chú ý đến vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Hạn chế thứ 4 trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiều xã chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, huy động cả hộ nghèo, cả người cao tuổi và cả những hộ chính sách.

“Hiện nay có 53/63 tỉnh, thành nợ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực tế cá biệt còn có những xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình xây dựng nông thôn mới cho nên cán bộ suy thoái đã tham ô và gây nhiều đơn thư khiếu kiện tố cáo và cũng gây phức tạp mất niềm tin trong xây dựng nông thôn mới”, ĐB nhấn mạnh.

Để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình quốc gia gắn với cơ cấu nông nghiệp, ĐB Phương đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan làm tốt công tác tuyên truyền và không đánh đồng tiêu chí chung trong xây dựng nông thôn mới, vì mỗi vùng miền có một tiêu chí khác nhau, đặc điểm kinh tế khác nhau và điều kiện về các mặt khác nhau.

“Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các tỉnh đặc biệt khó khăn, các xã vùng núi, vùng bãi ngang, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ”, ông nói thêm.

ĐB cũng đề nghị QH và Chính phủ có chính sách để khuyến khích liên kết và tăng vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay; đồng thời quan tâm hơn nữa trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và chú trọng đến vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay để làm cho nông thôn phát triển tốt hơn.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/nhieu-tieu-chi-xay-dung-nong-thon-moi-bat-hop-ly-va-lang-phi-303493.html