545.386 tài khoản chứng khoán 'bay màu', tiền vào cổ phiếu kiệt quệ

Với 545.386 tài khoản chứng khoán 'bay màu' chỉ trong tháng 10, thị trường chứng khoán đã chứng kiến dòng tiền vào cổ phiếu kiệt quệ.

545.386 tài khoản chứng khoán “bay màu”

Chiều ngày 7/11, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã có thông báo “sốc” về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 31/10/2023 theo quản lý trên hệ thống của VSDC.

Theo đó, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt 7.400.592 tài khoản, trong đó: Tài khoản của nhà đầu tư cá nhân là 7.384.707 tài khoản; tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là 15.885 tài khoản.

Đáng chú ý, theo VSDC, trong tháng 10, tổng số tài khoản mở mới là 167.659 tài khoản và số tài khoản thực hiện đóng là 545.386 tài khoản, trong đó số tài khoản được đóng nhiều nhất tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) là 543.753 tài khoản.

 Trong khi 545.386 tài khoản chứng khoán “bay” màu chỉ trong tháng 10, thị trường chứng khoán đã chứng kiến dòng tiền vào cổ phiếu kiệt quệ. Ảnh minh họa

Trong khi 545.386 tài khoản chứng khoán “bay” màu chỉ trong tháng 10, thị trường chứng khoán đã chứng kiến dòng tiền vào cổ phiếu kiệt quệ. Ảnh minh họa

Qua trao đổi với MBS, VSDC được biết hiện MBS đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản mở tại MBS và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch.

Trước đó, trong ngày 10/10, tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu trong tháng 11/2023, Ủy ban chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 11/2023.

Tiền vào cổ phiếu kiệt quệ

Có ý kiến cho rằng hơn nửa triệu tài khoản chứng khoán “bay màu” không ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ trong tháng 10, mà cả ở thời điểm hiện tại, dòng tiền vào cổ phiếu đang kiệt quệ.

Cụ thể, trong tháng 10, sau 22 phiên giao dịch, sàn TP HCM ghi nhận chỉ có 13.765.304.600 cổ phiếu, tương đương 314.161 tỷ đồng được giao dịch thành công. Trung bình mỗi phiên, Hose có 621 triệu cổ phiếu, tương đương 14.280 tỷ đồng được chuyển nhượng. Đây là mức thấp. Trước đó, sàn chứng khoán chứng kiến nhiều phiên giao dịch tỷ đô.

Trong tháng 9, do có kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nên tổng số phiên giao dịch của thị trường chỉ là 19. Sau 19 phiên, khối lượng giao dịch sàn TP HCM đạt 18.381.066.089 cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch 442.488 tỷ đồng. Trung bình mỗi phiên thanh khoản Hose đạt 967 triệu cổ phiếu, tương đương 23.289 tỷ đồng.

Như vậy, trong tháng 10, trung bình mỗi phiên, sàn TP HCM đã giảm 346 triệu cổ phiếu, tương đương 35,8% về khối lượng giao dịch và giảm 9.009 tỷ đồng, tương đương 63,1% so với tháng 9.

Trước đó, nếu tính dòng tiền chảy vào hàng tháng, tháng 8 thành công hơn cả với 22.876.436.411 tỷ cổ phiếu, tương đương 507.443 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.

Bước sang tháng 11, tình hình còn tệ hơn khi thanh khoản tiếp tục đi lùi. Tới ngày 7/11, chỉ có 3,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 69.114 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công. Thanh khoản trung bình mỗi ngày là 640 triệu cổ phiếu, tương đương 13.823 tỷ đồng.

Chứng khoán chưa tận dụng được lãi suất giảm, “cú trượt chân” của vàng

Có thể thấy, đây là “cơ hội vàng” để dòng tiền chảy vào chứng khoán khi lãi suất huy động liên tục sụt giảm, còn vàng lại bất ngờ có “cú trượt chân”.

Cụ thể, hồi cuối tháng 10, xung đột tại Gaza để nâng đỡ thị trường kim loại quý. Tuy nhiên, trong 2 phiên đầu tuần này, giá vàng thế giới liên tục lao dốc và rời xa mốc 2.000 USD/ounce. Còn giá vàng SJC đã khiến người mua vào lỗ vài triệu đồng/lượng chỉ sau vài ngày.

Trong khi đó, hiện tại, lãi suất huy động đang được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm sâu xuống chỉ còn hơn 5%/năm. Hồi đầu năm nay, không có để tìm được những mức lãi suất cao hơn rất nhiều, từ 8% tới 9%/năm.

Khi lãi suất giảm sâu, dòng tiền được dự báo sẽ “chảy” nhiều từ kênh gửi tiết kiệm vào chứng khoán. Thế nhưng, thực tế cho thấy điều ngược lại, ngân hàng vẫn là kênh được người có tiền lựa chọn.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 8/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 6,43 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng vượt 6 triệu tỷ đồng, không còn bị âm như những tháng trước mà đã tăng trưởng dương trở lại (+1% so với cuối năm ngoái).

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/545386-tai-khoan-chung-khoan-bay-mau-tien-vao-co-phieu-kiet-que-post271517.html