Tăng cường chế biến sâu - 'đòn bẩy' để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Việc nâng cao năng lực chế biến sâu, gắn với đảm bảo vùng nguyên liệu cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để hướng đi này không chỉ dừng lại ở việc thực hiện thí điểm tại một số HTX, cần sớm có những giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Hướng đi đúng cần nhân rộng...
Sản xuất trên vùng đất chè có tiếng của tỉnh Thái Nguyên, HTX Chè Thịnh An (huyện Sông Cầu) cũng từng gặp nhiều khó khăn như nhiều HTX khác, khi tổ chức theo phương thức sản xuất truyền thống, chậm đổi mới nên không thể tận dụng được tiềm năng, lợi thế tại địa phương.
Bà Vũ Thị Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Thịnh An - cho biết, trước đây, các quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến chè rất thủ công, khiến năng suất thấp và sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thiếu hấp dẫn. Nhận thấy rõ hạn chế này, HTX đã quyết định đổi mới với việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng công tác chế biến, bảo quản sản phẩm và nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
Đến nay, ngoài sản phẩm chè khô, đơn vị còn chế biến thành dạng chè túi lọc, tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng mà không giảm chất lượng của chè. Nhiều sản phẩm chè truyền thống của Thịnh An đã được xuất khẩu sang Pháp, Malaysia, Trung Quốc… Chỉ tính riêng năm 2023, tổng doanh thu của các thành viên trong HTX đã đạt tới 11 tỷ đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi chuyển đổi, ứng dụng công nghệ, gia tăng chế biến vào sản xuất.
Việc sản xuất thô chỉ tạo 15-20% giá trị, phần giá trị còn lại nằm ở những khâu chế biến, thương mại... Vì vậy, sản xuất tuần hoàn, chế biến sâu là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản thì ngoài đất đai, vấn đề về vốn và trình độ áp dụng khoa học - công nghệ của HTX cũng rất quan trọng...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đến nay, HTX cũng thành công với việc xây dựng vùng chè tập trung phát triển an toàn, sinh thái, bền vững. “Điều quan trọng là kết quả này đã góp phần thay đổi tư duy và cách làm cố hữu của người nông dân làm chè để cùng trách nhiệm trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm" - đại diện HTX cho biết.
Đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm cũng là hướng đi được nhiều HTX nông nghiệp thực hiện, qua đó bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Theo ông Đoàn Văn Đoảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bến Tre, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất, nhiều HTX điểm trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn áp dụng và thành công trong chuyển từ bán sản phẩm lúa thô cho doanh nghiệp sang sản phẩm chuyên sâu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Kết quả này cho thấy, việc chú trọng phát triển chế biến chuyên sâu là hướng đi đúng và trúng của các HTX nông nghiệp hiện nay” - ông Đoảnh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Đoảnh, đến nay, việc thực hiện chuyển đổi, tăng cường khâu chế biến vào sản xuất trên địa bàn mới dừng lại ở khâu thí điểm tại một số HTX mà chưa được triển khai đại trà.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hiện có khoảng 70% hàng nông sản của các HTX nông nghiệp cung cấp ra thị trường ở dạng thô. Với thực trạng này, giá trị sản xuất nông nghiệp đã giảm rất nhiều khi bán ra thị trường; đồng thời không thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Đây cũng là vấn đề được Bộ NNPTNT đang nỗ lực cùng với các Bộ, ngành để sớm có giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này.
Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến của hợp tác xã
Bối cảnh mới đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn cho người sản xuất, HTX nông nghiệp. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ gặp khó và yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi người nông dân, các HTX cần phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến vào trong các khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, để hỗ trợ ngành nông nghiệp, các HTX nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định nhiều chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển HTX, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro...
“Đây là những yêu cầu rất quan trọng, cần phải được thực thi thực chất để đảm bảo các HTX có đủ năng lực hoạt động, đổi mới cũng như nâng cao giá trị sản xuất” - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết; đồng thời khẳng định liên minh HTX các cấp đang nỗ lực để tìm ra hướng đi hiệu quả trong vấn đề đưa công nghệ chế biến sâu vào hoạt động sản xuất của các HTX.
Xác định việc nâng cao năng lực cho HTX đóng vai trò quan trọng, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) - cho biết, trong hai năm 2022-2023, Cục đã bố trí kinh phí 3,5 tỷ đồng và phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức 21 lớp tập huấn với gần 2 nghìn lượt học viên tham dự để trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia liên kết cho các cán bộ quản lý và thành viên HTX nhằm nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh cho các HTX.
Đồng thời, Bộ cũng đã trao đổi, đề nghị các địa phương bố trí hỗ trợ nguồn kinh phí, cơ sở hạ tầng giúp HTX nông nghiệp thực hiện tốt nhất việc chế biến sâu nông sản.
Từ thực tiễn tại địa phương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre Lê Hoàng Thanh cho biết thêm, để hỗ trợ HTX, địa phương đang triển khai các chương trình, dự án nhằm tăng cường năng lực phát triển kinh tế tập thể và thực hiện chương trình OCOP cho các HTX. Đồng thời, địa phương tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa mô hình về áp dụng chế biến sâu trong sản xuất, tiêu thụ, giúp HTX tăng sức cạnh tranh trên thị trường...
Còn theo đại diện Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, để hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực chế biến, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hiện nay, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại…/.