569 doanh nghiệp, hộ kinh doanh có dư nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3

Qua thống kê, rà soát của các ngân hàng thương mại, toàn tỉnh có 569 doanh nghiệp, hộ kinh doanh có dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão với số tiền gần 300 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.

Trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Cao Bằng 126 tỷ đồng; tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Cao Bằng 71 tỷ đồng; tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Cao Bằng 40 tỷ đồng; tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 29 tỷ đồng; tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPbank) tại Cao Bằng 16 tỷ đồng; tại Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDbank) tại Cao Bằng 10 tỷ đồng.

Trước thiệt hại nặng nề của thiên tai, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh yêu cầu các ngân hành thương mại trên địa bàn tiếp tục rà soát, tổng hợp báo cáo đầy đủ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo theo các quy định hiện hành.

Xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 10/2015/TT-NHNN, ngày 22/7/2015 và Thông tư 25/2018/TT-NHNN, ngày 24/10/2018 của NHNN Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Quyết định 50/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 và Quyết định 8/2021/QĐ-TTg, ngày 11/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay giúp khách hàng kéo dài thời hạn vay, sớm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

K.X

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/569-doanh-nghiep-ho-kinh-doanh-co-du-no-bi-anh-huong-boi-con-bao-so-3-3172688.html