Khó có tiếng nói độc lập, quyết liệt khi người sử dụng lao động trả lương cán bộ công đoàn

Cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thiếu hụt. Đây là một khó khăn trong hoạt động công đoàn khiến hoạt động kém hiệu quả.

Ngày 8/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt báo chí với nhiều nội dung quan trọng liên quan tới dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự thảo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 8, diễn ra trong tháng 10/2024.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin với báo chí về bối cảnh tình hình mới và những khó khăn của các cán bộ công nhân, công đoàn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin với báo chí về bối cảnh tình hình mới và những khó khăn của các cán bộ công nhân, công đoàn.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, hiện nay cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức Công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.

Thực tế, tính đến tháng 3/2024, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các Tỉnh ủy, Thành ủy giao năm 2024 là 5.119 biên chế. Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn đặc thù ngày càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn lại rất ít so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm hỏi đời sống công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm hỏi đời sống công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định: “Tại Công đoàn cơ sở hiện nay, chúng ta phải chấp nhận chủ doanh nghiệp tự tuyển người về làm cán bộ công đoàn vì không có cán bộ công đoàn chuyên trách. Người sử dụng lao động trả lương, do đó, yêu cầu cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt là khó”.

Do đó, Tổng Liên đoàn đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương. Đặc biệt, đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp.

Cũng tại Hội nghị lần này, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến đời sống công nhân, vấn đề nhà ở xã hội, giảm giờ làm và ngày nghỉ cho công nhân, người lao động.

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi được kỳ vọng đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam, mà còn góp phần giúp Công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh quốc tế, trong bối cảnh các tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam cũng đang manh nha xuất hiện.

Phùng Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kho-co-tieng-noi-doc-lap-quyet-liet-khi-nguoi-su-dung-lao-dong-tra-luong-can-bo-cong-doan-post1680221.tpo