6 biểu hiện của sâu răng cần lưu ý
Sâu răng là bệnh lý thường gặp ở mọi đối tượng, các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sâu răng tại Việt Nam có chiều hướng tăng dần và còn khá cao so với các nước trên thế giới.
Sâu răng không phải là bệnh cấp tính, nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị kịp thời nó có thể gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và công việc. Phát hiện sớm các tổn thương sâu răng và điều trị kịp thời sẽ mang lại kết quả tốt cho điều trị về cả phương diện chức năng, thẩm mỹ và còn giảm được biến chứng tại răng cũng như toàn thân. Chính vì vậy, việc người bệnh đi khám định kỳ tại các cơ sở răng hàm mặt là việc làm rất cần thiết.
Biểu hiện của bệnh sâu răng
- Hay chảy máu khi chải răng
Sâu răng có thể gây ra tình trạng chảy máu khi chải răng. Nguyên nhân là do các dây thần kinh tại răng bị tổn thương, gây kích thích lợi. Ngoài ra, một số người cảm thấy lợi bị sưng, không đau, nhưng đó vẫn là tình trạng nhiễm trùng, bởi lỗ sâu răng rất sâu, nó có thể gây tổn thương hoặc hoại tử dây thần kinh. Điều này sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng tại dây thần kinh đó, dẫn đến sưng lợi.
- Xuất hiện đốm trắng đục trên răng
Những đốm trắng đục trên răng là một trong những triệu chứng đầu tiên của sâu răng. Bởi các vi khuẩn sẽ làm mất các khoáng chất trong men răng. Đặc biệt là làm hao mòn canxi ở men răng.
- Hơi thở hôi hoặc có vị lạ trong miệng
Lỗ sâu răng có kích thước rất nhỏ, được tạo ra do axit và đường phá hủy lớp men răng. Sau đó, vi khuẩn sẽ tích tụ lại gây mùi hôi và vị lạ trong miệng.
- Ê buốt răng, tăng nhạy cảm với thức ăn nóng, lạnh
Mỗi chiếc răng đều có một sợi dây thần kinh bên trong, có nguồn máu cung cấp đến răng, giúp răng phát triển và thực hiện chức năng. Khi lỗ sâu phát triển lớn, dây thần kinh sẽ có khả năng bị lộ ra ngoài. Khi ấy, xuất hiện tình trạng ê buốt khi ăn uống đồ ăn lạnh, nóng, ngọt, chua và hết ê buốt ngay sau đó.
- Có biểu hiện đau răng
Đau răng thường là dấu hiệu của tình trạng sâu răng phát triển. Đặc biệt là khi răng bị hư tổn tiếp xúc với gì đó, chẳng hạn như thức ăn. Đôi khi bạn sẽ bị cơn đau nhói nhưng cũng có thể là cơn đau âm ỉ, kéo dài.
- Nhìn thấy đốm đen hoặc lỗ sâu trên răng
Tình trạng có đốm đen trên răng thì đó là dấu hiệu lỗ sâu đang phát triển. Một số trường hợp, lỗ sâu răng có thể khiến toàn bộ chiếc răng tối màu hơn, làm tăng nguy cơ răng bị gãy, vỡ. Có trường hợp nhìn thấy lỗ sâu có thể nhìn thấy trên răng khi các lỗ này xuất hiện thì bệnh đã bước sang giai đoạn trầm trọng hơn.
Khi nào sâu răng nên đi gặp nha sĩ?
Khi có các biểu hiện này cần đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt: Tình trạng đau răng kéo dài hơn 1 – 2 ngày; Cường độ đau tăng dần; bị sốt, đau tai hoặc cảm thấy đau khi mở miệng.
Đối với các bệnh nhiễm trùng răng, xác định sớm và điều trị đúng phương pháp rất quan trọng, vì việc này sẽ ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang các bộ phận khác của khuôn mặt.
Sâu răng cần làm gì?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau răng và mức độ nghiêm trọng để nha sĩ đưa ra cách chữa đau răng hiệu quả nhất. Kháng sinh sẽ được sử dụng trong các trường hợp nhiễm trùng, kết hợp với các thủ thuật như: Điều trị tủy răng, hàn răng sâu, nhổ răng mọc ngầm mọc lệch… để loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây đau nhức răng.
Để phòng ngừa đau nhức răng, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ bởi phần lớn các bệnh về răng miệng gây đau nhức răng đều phát sinh từ vấn đề vệ sinh không tốt. Chải răng đúng cách, sau khi ăn và trước khi đi ngủ với kem đánh răng chứa fluoride. Nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn trong kẽ răng. Cần súc miệng với nước súc miệng hoặc nước muối hàng ngày. Đến gặp nha sĩ mỗi năm hai lần để kiểm tra tổng quát răng.
Khi các cơn đau nhức răng xuất hiện, để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời, bạn nên đến nha khoa càng sớm càng tốt tránh tình trạng để cơn đau ngày càng tồi tệ hơn.
Tóm lại: Thông thường, một chiếc răng hoàn chỉnh có phần tủy răng quan trọng nhất được bao bọc bởi hai lớp men và ngà phía ngoài, chân răng được nối với các dây thần kinh ngoại vi. Vì thế, khi răng sâu ảnh hưởng đến tủy, thậm chí gây chết tủy, mất răng.
Do đó, mọi người nên tự giác thực hiện những nguyên tắc như: Hạn chế ăn vặt, nhất là những thức ăn ngọt, chứa nhiều đường (như bánh, kẹo,...) hoặc các loại nước uống có gas... nhằm giúp răng chắc khỏe và đẩy lùi nguy cơ bị sâu răng.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-bieu-hien-cua-sau-rang-can-luu-y-169240109145357976.htm