6 cách giúp bố mẹ giữ an toàn cho trẻ khi Online
Là cha mẹ, trước hết bạn cần tìm hiểu xem trẻ em nói chung và con của bạn thường truy cập mạng để làm gì. Sau đó, bạn có thể nói cho con biết về những cạm bẫy tiềm ẩn của mạng xã hội, đồng thời chỉ khuyến khích trẻ tạo lập những thói quen lành mạnh và hành vi phù hợp.
Mạng internet luôn là “thiên đường tuyệt vời” đối với trẻ, mang lại cho các con rất nhiều lợi ích. Nhờ vào internet, con có thể dễ dàng nghiên cứu các báo cáo ở trường, giao tiếp với giáo viên, bạn bè, chơi các trò chơi tương tác. Thế nhưng, cũng giống như bất cứ hình thức giao tiếp công cộng nào khác, sử dụng internet luôn có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Việc trao cho một đứa trẻ toàn quyền quyết định và sử dụng internet cũng nguy hiểm như đẩy con xuống một đại dương đầy cá mập. Chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng: bên cạnh những lợi ích đã đề cập, internet là nơi đầy rẫy nguy hiểm, chứa đầy nội dung không phù hợp, các mối đe dọa trực tuyến, khiêu dâm, bạo lực, kinh dị và thậm chí là tệ nạn xã hội.
Đó là lý do tại sao cha mẹ (hoặc người chăm sóc trẻ) nên có trách nhiệm kiểm soát nội dung sao cho “thân thiện” mỗi khi cho con sử dụng các thiết bị điện tử. Đồng nghĩa với việc, hãy đảm bảo an toàn mạng tuyệt đối trước khi quyết định cho phép con sử dụng các thiết bị điện tử riêng.
Dưới đây là những cách giúp bố mẹkiểm soát béđược an toàn khi sử dụng mạng xã hội:
Chế độ giới hạn hoặc chế độ trẻ em trên Youtube
Nếu là người thường xuyên tìm kiếm video trên YouTube, hẳn bạn cũng đã từng bắt gặp những video “bẫy” người xem bằng cách để hình ảnh có nội dung khiêu gợi không phù hợp. Đây còn có thể là những hình ảnh bạo lực, đánh nhau, ngược đãi động vật, có thể tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ. Mặc dù YouTube hiện nay đã có các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt để xóa đi nội dung bạo lực, nhưng đôi khi, nó vẫn sẽ tồn tại ở đó vài phút hoặc vài giờ trước khi bị gỡ xuống.
Tin vui là, YouTube đã nhận ra vấn đề này, và cho ra mắt YouTube Kids. Đây là ứng dụng YouTube có nội dung phù hợp dành riêng cho trẻ nhỏ, có thể tải xuống trên cả thiết bị Android và iOS. YouTube Kids cung cấp các biện pháp kiểm soát trẻ dành cho phụ huynh, chẳng hạn như chặn các video mà cha mẹ không muốn con xem, báo cáo các video không phù hợp, thiết lập bộ đếm thời gian để cha mẹ có thể giới hạn thời gian trẻ xem video, hoặc kiểm tra nội dung những video mà con đã xem.
Đừng để con sử dụng mạng internet khi ở một mình
Cha mẹ nên đặt ra những quy tắc như: con chỉ được sử dụng thiết bị điện tử ở những khu vực chung trong nhà, hoặc khi có sự giám sát của người lớn. Không nên cho phép trẻ sử dụng máy tính trong phòng một mình.
Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết được rằng, hầu hết trẻ em đều có xu hướng sử dụng máy tính một cách ngoan ngoãn và dè dặt hơn, khi đơn giản là có cha mẹ hay người lớn ở gần đó. Bằng cách này, phụ huynh có thể đảm bảo rằng trẻ chỉ xem những nội dung phù hợp trên mạng, cũng như dễ dàng giám sát các hoạt động trực tuyến của con.
Dạy con cẩn thận với những ứng dụng chia sẻ video
Những kẻ ăn cắp thông tin trực tuyến có thể đang sử dụng các trang web này để kết nối với trẻ em tuổi teen, thanh thiếu niên trực tuyến. Chúng có thể sẽ đóng giả là một người bạn đồng trang lứa để tiếp cận trẻ em. Mặc dù các ứng dụng lớn sẽ có hướng dẫn nghiêm ngặt và quy định gắt gao đối với những nội dung người lớn hoặc quấy rối tình dục, cha mẹ vẫn nên chú ý để đảm bảo rằng con bạn không chia sẻ nội dung được gợi ý trên các ứng dụng này, tránh thu hút sự chú ý không mong muốn.
Tương tự, điều quan trọng là ba mẹ hãy đảm bảo trẻ không chia sẻ nội dung nhạy cảm, có tính đả kích bạn bè. Ai từng là trẻ em đều có thể làm những việc mà khi trưởng thành nhìn lại sẽ thấy thật đáng xấu hổ, nhưng như chúng ta đã nói, những nội dung trên internet có thể được chia sẻ rộng rãi với tốc độ nhanh chóng, và có thể tồn tại mãi mãi. Do đó, ba mẹ hãy chắc chắn rằng những video mà con đang chia sẻ đều là những nội dung mà chúng sẽ không cảm thấy xấu hổ khi sau này nhìn lại.
Khuyến khích trẻ cẩn thận khi tiết lộ thông tin cá nhân
Chắc hẳn bố mẹ nào cũng biết về những hậu quả không ngờ có thể xảy ra khi chia sẻ dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội, chẳng hạn như hình ảnh, thông tin nhạy cảm và các khía cạnh của cuộc sống riêng tư. Đó là lý do tại sao việc thiết lập tư tưởng rõ ràng với con về những gì chúng nên và không nên đăng trên mạng lại vô cùng quan trọng. Một quy tắc đơn giản dành cho trẻ nhỏ là, hãy dặn dò con không được cung cấp tên, số điện thoại hoặc hình ảnh cá nhân khi chưa có sự chấp thuận của ba mẹ.
Đối với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, khi các em sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, cha mẹ nên khuyến khích trẻ hãy chọn lọc kỹ thông tin cá nhân và hình ảnh trước khi đăng tải. Bất kể là đã cài đặt chế độ quyền riêng tư, nhưng một khi là tài liệu trực tuyến, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được ai nhìn thấy nó và họ sẽ sử dụng nó với mục đích gì.
Đặt ra các quy tắc và hướng dẫn an toàn cho trẻ khi sử dụng máy tính
Cha mẹ hãy cùng con trao đổi về những quy tắc này và dán chúng ở gần máy tính như một lời nhắc nhở. Hãy nhớ giám sát để đảm bảo trẻ tuân thủ theo các quy tắc đã đặt ra, đặc biệt là lượng thời gian con dành cho việc sử dụng máy tính.
Khi một đứa trẻ hay thiếu niên lạm dụng mạng trực tuyến quá nhiều, đặc biệt là vào đêm khuya, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn nào đó mà bạn nên đặc biệt để tâm đến. Và đừng quên rằng, điện thoại, máy tính cá nhân, hay các dịch vụ trực tuyến không nên được sử dụng như một công cụ để “giữ trẻ”.
Giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử
Đây là cách để vừa giữ trẻ an toàn khi sử dụng mạng trực tuyến, vừa bảo vệ sức khỏe của con.
Ở thế kỷ 21, rất nhiều trẻ em dành toàn bộ thời gian của mình cho mạng trực tuyến đến mức bị “phụ thuộc” vào thế giới ảo đến nỗi bỏ qua những niềm vui khác. Điều này dẫn đến hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với đời sống xã hội và sức khỏe tinh thần của trẻ. Những đứa trẻ dành hơn 7 giờ mỗi ngày trên màn hình điện tử được chẩn đoán rất có khả năng mắc những căn bệnh trầm cảm.
Hiện nay có rất nhiều ứng dụng cho phép cha mẹ giới hạn thời gian trực tuyến của trẻ. Các ứng dụng này đều có thể dễ dàng tải xuống cho cả điện thoại và máy tính bảng. Phụ huynh có thể sử dụng ứng dụng để đặt thời gian cho phép con sử dụng thiết bị điện tử dựa vào thói quen sinh hoạt của con, chẳng hạn như khóa điện thoại của trẻ một giờ trước khi đi ngủ cho đến sáng, hoặc giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở một số giờ nhất định mỗi ngày.