CEO Miza (MZG) Lê Văn Hiệp: Tái chế giấy - cơ hội đầu tư, phát triển bền vững trong xu thế kinh tế xanh

Vừa qua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Miza (Miza) chính thức được đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán MZG. Miza là doanh nghiệp thứ 884 hiện đang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM và là doanh nghiệp thứ 45 đăng ký giao dịch trong năm 2024.

Báo Đại biểu nhân dân phỏng vấn Ông Lê Văn Hiệp - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miza

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những đóng góp của ngành Giấy tái chế nói chung và Công ty Cổ phần Miza nói riêng cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam?

Ông Lê Văn Hiệp: Hiện nay, ngành giấy và bột giấy Việt Nam có khoảng 280 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 30 doanh nghiệp lớn chiếm 70% sản lượng toàn ngành. Về cơ cấu sản phẩm bao bì chiếm 83% sản lượng ngành giấy và bột giấy.

 Ông Lê Văn Hiệp, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miza.

Ông Lê Văn Hiệp, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miza.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội giấy, tái chế một tấn giấy đã qua sử dụng tiết kiệm được khoảng 26.5m3 nước, tiết kiệm được hàng chục cây xanh không bị chặt làm nguyên liệu cho sản xuất bột giấy, tiết kiệm được 30-50% năng lượng và giảm phát thải CO2 khoảng 74% so với sản xuất giấy từ nguyên liệu gỗ.

Đồng thời, theo các ước tính gần đây tiêu thụ bao bì giấy nội địa đạt khoảng 4,2 triệu tấn mỗi năm. Hơn nữa, ngành công nghiệp này còn chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu với mức tăng ấn tượng hơn 200% trong ba năm gần đây.

Các doanh nghiệp ngành giấy tái chế nói chung, đặc biệt là Miza đã thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp giảm lãng phí và tận dụng tối đa nguồn tài nguyên. Bằng cách tái chế giấy cũ thành các sản phẩm giấy mới, công ty không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế từ nguồn tài nguyên có sẵn.

Ngành Công nghiệp giấy tái chế đã tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm, không chỉ trong các nhà máy sản xuất giấy mà còn trong các công đoạn thu gom và phân loại giấy tái chế, đồng thời giúp cải thiện thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và khu vực có tỷ lệ lao động phổ thông cao, giúp tăng tỷ lệ thu hồi để tái chế.

Theo số liệu của Hiệp hội giấy, từ năm 2020 đến 2024 đã tăng 10% nâng tỉ lệ thu hồi từ 45% lên ít nhất 55%. Công ty Cổ phần Miza cũng đã đóng góp vào việc tạo công ăn việc làm ổn định, giúp giảm bớt áp lực cho thị trường lao động và thúc đẩy kinh tế địa phương.

PV: Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh hóa sản xuất đang là một xu thế bắt buộc hiện nay. Vậy theo ông, các doanh nghiệp ngành Giấy và Công ty Cổ phần Miza đã, đang và sẽ làm gì để “xanh hóa” ngành Giấy?

Ông Lê Văn Hiệp: Các doanh nghiệp trong ngành Giấy, bao gồm cả Công ty Cổ phần Miza, đã và đang nỗ lực xanh hóa quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững.

Công ty Cổ phần Miza, với vai trò là doanh nghiệp trong lĩnh vực giấy tái chế, có lợi thế trong việc tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế thay vì nguyên liệu gỗ tự nhiên. Việc tận dụng nguyên liệu tái chế không chỉ giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng mà còn giúp giảm lượng rác thải, tạo ra một chu trình sản xuất tuần hoàn, bền vững.

Miza và các doanh nghiệp ngành Giấy có thể đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải đạt chuẩn, tái sử dụng nước trong quá trình sản xuất và áp dụng các công nghệ xử lý tân tiến nhất để xử lý nước thải một cách thân thiện với môi trường.

 “Xanh hóa” ngành Giấy là một trong những bước đi quan trọng mà các doanh nghiệp ngành Giấy và Miza đang hướng đến.

“Xanh hóa” ngành Giấy là một trong những bước đi quan trọng mà các doanh nghiệp ngành Giấy và Miza đang hướng đến.

Một phần không thể thiếu của việc “xanh hóa” ngành giấy là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng và người tiêu dùng. Miza có thể tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về lợi ích của việc tái chế giấy, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm từ giấy tái chế và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

“Xanh hóa” ngành Giấy là một trong những bước đi quan trọng mà các doanh nghiệp ngành Giấy và Miza đang hướng đến, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường.

PV: Việc đầu tư vào công nghệ được Miza triển khai và áp dụng như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hiệp: Miza đã và đang đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế giấy bao bì, sử dụng các nguồn giấy lề, giấy loại làm nguyên liệu sản xuất.

- Nhà máy ban đầu tại Đông Anh với công suất 7.500 tấn/năm vào 2010,

- tiếp tục nâng công suất với dây chuyền số 2 hiện đại hơn lên 32.500 tấn/năm vào 2015.
- Đến năm 2018 Miza tiếp tục xây dựng nhà máy giấy thứ 2 với công nghệ tân tiến tại Nghi Sơn-TH với công suất 120.000 tấn/năm và tiến tới năm 2025 hoàn thành dự án PM5 nâng tổng công suất 240.000 tấn/năm

- Công nghệ tự động hóa cao và tiết kiệm năng lượng. Các dự án sẽ tiếp tục được mở rộng, vừa nâng cao khả năng tái chế xử lý giấy thải loại ra môi trường, đồng thời tạo ra những sản phẩm giấy bao bì chất lượng cao đi đầu Việt Nam, dần thay thế cho những sản phẩm bao bì bằng nhựa, nylon có hại với MT

Song song với việc tái chế giấy, Miza đầu tư rất lớn vào các hệ thống xử lý nước thải với công suất 4000m3/ngày đêm, với tổng tiền đầu tư lên đến 50 tỷ VNĐ. Bên cạnh đó, công ty lắp đặt các trạm quan trắc tự động online đối với các thông số nước thải 24h/24h, tăng cường khả năng giám sát và giảm thiểu rủi ro nước thải không đạt chuẩn ra môi trường.

Thêm vào đó, Công ty đầu tư vào hệ thống cung cấp hơi đốt (lò hơi) với công nghệ đốt hiện đại và xử lý khí thải hiệu quả, sử dụng nguồn nhiên liệu Biomass thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải KNK 74%.

Ngoài ra, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất thiết kế 4MWh vào 2022 và tiếp tục đầu tư hệ thống thứ 2 với công suất 95kWp/năm vào năm 2024. Đây cũng là dự án sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm được năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải KNK vào môi trường

PV: Việc đầu tư này cũng tốn khá nhiều vốn của công ty, những lợi ích từ công nghệ mang lại cho công ty là gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Hiệp: Lợi ích khi đầu tư xây dựng các nhà máy giấy tái chế mang lại nhiều lợi ích quan trọng từ góc độ kinh tế, môi trường và xã hội: điều chắc chắn đầu tiên là tiết kiệm được nguồn nguyên liệu gỗ và bảo vệ rừng.

 Các nhà máy tái chế giấy góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển "kinh tế xanh"

Các nhà máy tái chế giấy góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển "kinh tế xanh"

Tiếp theo, tiết kiệm được nguồn nước và hạn chế khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất. Thứ 3 là tiết kiệm năng lượng, điều này sẽ giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quan trọng hơn nữa là khả năng giảm phát thải KNK, giảm ô nhiễm nước và giảm các chất thải rắn, giảm tác động tới môi trường.

- Các lợi ích cùng cộng hưởng thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nơi các sản phẩm được sử dụng và tái chế tạo thành chuỗi khép kín. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất và còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy thị trường tiêu dùng bền vững

- Lợi ích tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường
- Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và bền vững không chỉ trong nước và quốc tế

- Tiếp cận được nhiều nguồn vốn xanh, các nhà đầu tư lớn quan tâm phát triển bền vững,….

PV: Trong thời gian tới, định hướng điều hành công ty của ông như thế nào để đưa Miza thành một trong những công ty mũi nhọn của ngành Giấy, thưa ông?

Ông Lê Văn Hiệp: Định hướng phát triển chiến lược của Miza không nằm ngoài định hướng chung xu thế toàn cầu hiện nay, đó là định hướng phát triển bền vững và xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Việc định hướng phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong các nhà máy giấy tái chế là giải pháp thiết yếu để đối phó với những thách thức môi trường và tăng cường hiệu quả kinh tế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho xã hội.

Với phương châm hành động đa dạng và khác biệt, Đổi mới - Đoàn kết - Kỷ cương và Hiệu quả, Công ty đã, đang và sẽ:

- Áp dụng công nghệ hiện đại và xanh hóa sản xuất

- Tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải
- Sử dụng nguyên liệu phụ gia thân thiện với môi trường
- Tiết kiệm và quản lý hiệu quả tài nguyên
- Sử dụng nhiên liệu tái tạo và năng lượng tái tạo
- Thiết kế các sản phẩm hướng đến kinh tế tuần hoàn, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
- Giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường

- Tăng cường minh bạch (Lập báo cáo ESG) và thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo giá trị bền vững cho cộng đồng xung quanh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khôi Ngô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ceo-miza-mzg-le-van-hiep-tai-che-giay-co-hoi-dau-tu-phat-trien-ben-vung-trong-xu-the-kinh-te-xanh-post396675.html