6 cách giúp hạn chế vi nhựa thâm nhập vào thực phẩm của bạn

Khi nấu nướng, bảo quản thực phẩm hay pha một tách càphê hoặc trà vào buổi sáng, bạn có thể đang vô tình thêm vi nhựa vào đồ ăn và thức uống.

Hạt vi nhựa len lỏi ở khắp mọi nơi trên hành tinh của chúng ta. (Nguồn: iStock)

Hạt vi nhựa len lỏi ở khắp mọi nơi trên hành tinh của chúng ta. (Nguồn: iStock)

Khi nấu nướng, bảo quản thực phẩm hay pha một tách càphê hoặc trà vào buổi sáng, bạn có thể đang vô tình thêm vi nhựa vào đồ ăn và thức uống.

Những hạt nhựa siêu nhỏ này ngày càng được phát hiện không chỉ trong thực phẩm, mà còn ở nhiều bộ phận trong cơ thể con người - từ não, máu, gan cho tới nhau thai.

Một trong những con đường chính khiến vi nhựa xâm nhập vào thực phẩm là qua đất, nước và không khí bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, chúng cũng có thể đến ngay từ gian bếp của bạn, thông qua những thói quen hằng ngày mà thực ra bạn hoàn toàn có thể kiểm soát.

Ví dụ: chỉ với việc dùng thớt nhựa để thái rau hay hâm đồ ăn trong hộp nhựa, bạn đã góp phần làm tăng mức độ phơi nhiễm. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ mức độ ảnh hưởng của vi nhựa và nhựa nano tới sức khỏe con người.

Tuy nhiên, một số kết quả ban đầu đã cho thấy mối nguy tiềm ẩn. Chẳng hạn một nghiên cứu quan sát chỉ ra rằng vi nhựa xuất hiện trong động mạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.

Nếu bạn đang lo ngại về vấn đề này và nghi ngờ thói quen nhà bếp có thể là nguyên nhân thì có tin tốt dành cho bạn: hầu hết các biện pháp khắc phục đều rất đơn giản và có thể thực hiện dễ dàng bằng cách thay thế đồ dùng nhựa bằng các lựa chọn an toàn hơn.

Dưới đây là 6 cách vi nhựa có thể đi vào thực phẩm và đồ uống của bạn, cùng với gợi ý thay thế để hạn chế rủi ro:

1. Thớt nhựa

Thớt nhựa thường được ưa chuộng vì không thấm nước và dễ vệ sinh. Tuy nhiên, khi cắt thực phẩm trên bề mặt này, bạn có thể đang trực tiếp đưa vi nhựa vào món ăn. Nghiên cứu cho thấy lực cắt càng mạnh thì lượng vi nhựa được giải phóng càng nhiều.

“Thớt nhựa là một trong những nguồn tiếp xúc vi nhựa lớn nhất và cũng là vật dụng dễ thay thế nhất,” theo chuyên gia vi nhựa Jennifer Brandon, nhà hải dương học và người sáng lập Wild Beacon Consulting.

Một nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science & Technology ước tính mỗi người có thể phơi nhiễm tới 50 gram vi nhựa mỗi năm chỉ từ việc sử dụng thớt nhựa trong nhà bếp, tương đương với số nhựa của 10 chiếc thẻ tín dụng.

Giải pháp thay thế: hãy chuyển sang dùng thớt gỗ hoặc tre, an toàn và bền bỉ hơn.

2. Hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa

Việc hâm lại thức ăn trong hộp nhựa có thể khiến vi nhựa thôi nhiễm vào món ăn, đặc biệt là với các loại nhựa mỏng, dùng một lần như hộp đựng đồ ăn mang đi, hộp sữa chua hay bơ.

Ngay cả các hộp nhựa có nhãn “an toàn cho lò vi sóng” cũng không hoàn toàn đáng tin.

“Có nghiên cứu chỉ đun nước trong hộp nhựa mà phát hiện ra hơn 10 triệu vi nhựa đã thôi ra từ chính chiếc hộp đó,” theo tiến sỹ Victoria Fulfer, nhà nghiên cứu về vi nhựa tại Đại học Rhode Island.

Việc hâm rau củ đông lạnh trong bao bì nhựa cũng tiềm ẩn rủi ro tương tự, vì nhiệt độ cao có thể phá vỡ cấu trúc nhựa, giải phóng vi nhựa và các hóa chất độc hại vào thức ăn.

Giải pháp thay thế: sử dụng hộp thủy tinh chuyên dụng cho lò vi sóng hoặc lò nướng. Chuyển thực phẩm đông lạnh sang chảo hoặc bát thủy tinh trước khi hâm nóng.

3. Túi nhựa dùng một lần

 (Nguồn: Getty Images)

(Nguồn: Getty Images)

Nhiều người có thói quen dùng túi zip nhựa để bảo quản đồ ăn hoặc mang theo đồ ăn nhẹ. Tuy nhiên, đây lại là nguồn dễ sinh vi nhựa, vì chất liệu mềm của túi dễ bong tróc.

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy việc mở bao bì nhựa dù bằng kéo, tay hay dao đều có thể tạo ra vi nhựa.

Giải pháp thay thế: dùng túi silicon tái sử dụng, hộp thủy tinh hoặc inox, hoặc màng sáp ong bọc thực phẩm.

4. Màng bọc thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn nóng

Màng bọc nhựa khi tiếp xúc với thức ăn nóng có thể giải phóng vi nhựa, thậm chí tan chảy và bám vào thực phẩm. Điều này gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

Giải pháp thay thế: Dùng giấy bạc (không dùng trong lò vi sóng), màng silicon tái sử dụng, màng sáp ong, hoặc hộp thủy tinh có nắp đậy.

5. Dụng cụ nấu ăn bằng nhựa

Thìa, xẻng, muôi bằng nhựa khi tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể bị nóng chảy, làm bong tróc vi nhựa vào món ăn. Việc này xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ.

Giải pháp thay thế: Chuyển sang dụng cụ bằng gỗ hoặc kim loại, tùy loại nồi chảo bạn sử dụng.

6. Túi trà nhựa

Một số loại túi trà được làm từ nhựa polypropylene, nylon hoặc cellulose – có thể giải phóng hàng triệu tới hàng tỷ hạt vi nhựa khi ngâm trong nước nóng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những vi nhựa và nhựa nano này đủ nhỏ để xâm nhập vào hệ tuần hoàn từ đó gây tác động tiềm ẩn đến sức khỏe.

 (Nguồn: Getty Images)

(Nguồn: Getty Images)

Giải pháp thay thế: Pha trà bằng lá trà rời trong lọ thủy tinh hoặc inox.

Nếu vẫn muốn dùng túi lọc, hãy chọn loại không chứa nhựa, làm từ bông, gai dầu hoặc giấy 100%. Tuy nhiên, lưu ý là một số túi trà giấy cũng có thể chứa nhựa ẩn.

Dù vi nhựa là một vấn đề toàn cầu phức tạp, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất ngay trong căn bếp của mình.

Việc thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn, mà còn là hành động thiết thực vì một môi trường bền vững hơn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/6-cach-giup-han-che-vi-nhua-tham-nhap-vao-thuc-pham-cua-ban-post1044477.vnp