6 câu hỏi thường gặp về ung thư thực quản
Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 12 tại Việt Nam, theo Globocan năm 2022.
1. Đông y hỗ trợ điều trị ung thư thực quản
Nội dung
1. Đông y hỗ trợ điều trị ung thư thực quản
2. Ung thư thực quản có phải do di truyền không?
3. Ung thư thực quản có chữa khỏi được không?
4. Chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản tại nhà
5. Người béo phì và nguy cơ ung thư thực quản
6. Chi phí điều trị ung thư thực quản
Ung thư thực quản là một loại ung thư cơ quan tiêu hóa thường gặp. Triệu chứng chủ yếu là ngày càng nuốt khó hơn. Bệnh này giống chứng "ế cách" (nghẹn) của Y học cổ truyền. Bệnh ung thư thực quản ngoài việc điều trị bằng các loại thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa ung thư, các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thì việc kết hợp Đông y cũng góp phần nâng cao thể trạng của người bệnh trong quá trình điều trị.
Theo Y học cổ truyền, ung thư thực quản là do sự mất cân bằng âm dương, khí huyết ứ trệ, hoặc do nhiệt độc xâm nhập. Do đó, các bài thuốc Đông y thường tập trung vào việc điều hòa âm dương, khử ứ trệ, giải độc, tiêu khối. Các bài thuốc thường dùng như Bổ trung ích khí, tiêu đàm giải độc; Hoạt huyết tiêu thũng, giải độc; Kiện tỳ ích vị, tiêu đàm giải độc tùy theo từng thể bệnh.
Các bài thuốc kết hợp với phương pháp điều trị hiện đại sẽ góp phần nâng cao thể trạng của bệnh nhân, giảm thiểu các triệu chứng khó nuốt, mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng trong quá trình hóa trị, xạ trị. Khi sử dụng Đông y hỗ trợ điều trị ung thư thực quản, bệnh nhân cần được thăm khám ở các bệnh viện y học cổ truyền để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
2. Ung thư thực quản có phải do di truyền không?
Yếu tố gây bệnh chính xác của ung thư thực quản hiện nay chưa được xác định nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản. Cụ thể, các yếu tố như tuổi, giới tính, tính chất gia đình... Bệnh thường gặp ở nam hơn ở nữ và có tính chất gia đình tương đối cao. Trong phần lớn các kết quả nghiên cứu ghi nhận được nhiều bệnh nhân bị mắc ung thư thực quản là do tính chất gia đình.
Ung thư thực quản có thể di truyền trong một số trường hợp. Theo nghiên cứu, nguy cơ mắc ung thư thực quản ở người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư thực quản cao hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ di truyền ung thư thực quản tương đối thấp, chỉ chiếm khoảng 5-10% các trường hợp mắc bệnh.
Theo ThS.BS Trần Đức Cảnh - Bệnh viện K Trung ương, ung thư thực quản rất ít liên quan đến di truyền. Chủ yếu do các yếu tố mắc phải trong đời sống thường ngày. Trong đó có 2 yếu tố thường gặp nhất là hút thuốc lá và uống rượu.
Theo các bác sĩ BV. K Trung ương, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản:
Tuổi: ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60.
Lạm dụng rượu, bia và thuốc lá: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn khoảng 8 – 10 lần so với người bình thường. Thời gian hút càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu mạnh, sẽ càng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
Người có bệnh lý về thực quản: loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
Những người có chế độ dinh dưỡng chưa khoa học, lạm dụng chất béo, thiếu các vitamin A, B2, C; duy trì thói quen ăn uống nhiều thực phẩm có chứa chất nitrosamin...
Bệnh nhân từng có tiền sử mắc các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ.
3. Ung thư thực quản có chữa khỏi được không?
Hiện nay, dù đã có những tiến bộ rất lớn trong y học nhưng việc điều trị dứt điểm ung thư thực quản vẫn còn là một thách thức, bởi khi được phát hiện thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Khả năng chữa khỏi ung thư thực quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn phát hiện bệnh, loại ung thư, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và phương pháp điều trị được áp dụng.
Ung thư thực quản giai đoạn sớm biểu hiện rất mơ hồ, chỉ có thể phát hiện qua nội soi tiêu hóa nên nhiều bệnh nhân ung thư thực quản có tiên lượng tương đối xấu, do được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Nếu được chẩn đoán và điều trị bệnh từ giai đoạn sớm, vẫn có khả năng chữa khỏi bệnh.
Theo thống kê, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư thực quản ở các giai đoạn khác nhau như sau:
Giai đoạn I: 80-90%
Giai đoạn II: 50-70%
Giai đoạn III: 30-40%
Giai đoạn IV: 10-20%
4. Chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản tại nhà
Chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản tại nhà là một phần quan trọng trong quá trình điều trị và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản tại nhà:
Về dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư thực quản rất quan trọng do người bệnh thường bị khó nuốt, thiếu dinh dưỡng dẫn đến suy nhược.
Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính.
Cung cấp thực đơn giàu protein, tăng lượng calo và chất xơ.
Chọn thực phẩm mềm, dễ nhai và dễ tiêu hóa.
Cắt nhỏ thức ăn hoặc xay nhuyễn nếu cần thiết.
Uống nhiều nước, nước trái cây và súp để tránh mất nước.
Tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán, thức ăn lên men và thức ăn có vị chua.
Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Về vệ sinh: Giữ cho cơ thể bệnh nhân sạch sẽ, vệ sinh.
Tắm rửa thường xuyên, nhưng cần chú ý tránh để nước vào vết thương hở (nếu có).
Giữ cho môi trường sống của bệnh nhân thoáng mát, sạch sẽ và tránh khói bụi.
Rửa tay thường xuyên trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân.
Về tâm lý: Bệnh nhân ung thư thực quản cần được hỗ trợ về tinh thần để chống chọi với bệnh tật.
Với người bệnh bị ung thư thực quản sẽ đối mặt với tình trạng chán ăn, mệt mỏi, khó nuốt... do vậy, người bệnh cần phải học cách kiểm soát cảm xúc của mình bởi một tinh thần và tâm lý thoải mái sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.
Người nhà nên dành thời gian trò chuyện, tâm sự với bệnh nhân. Khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe.
Người thân cần vui vẻ, cởi mở giúp đỡ bệnh nhân trong các công việc sinh hoạt hàng ngày. Tạo ra bầu không khí vui vẻ, lạc quan cho bệnh nhân.
Sau khi điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi rất chặt chẽ, do bệnh ung thư thực quản có khả năng tái phát, di căn xa nhanh. Ngoài khám bệnh định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ thì cần theo dõi các triệu chứng: sụt cân, nuốt nghẹn, đau, nôn nhiều...
5. Người béo phì và nguy cơ ung thư thực quản
Theo nghiên cứu khoa học, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư thực quản. Ở người béo phì, nhất là béo bụng, lượng mỡ thừa gây áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới khiến vòng cơ thắt yếu, acid dạ dày dễ trào ngược, lâu dài biến đổi thành Barrett thực quản - tổn thương tiền ung thư và tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), lượng mỡ trong cơ thể nhiều có liên quan đến tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản ở người thừa cân, béo phì cao hơn 1,5-2,7 lần so với người có cân nặng bình thường. Người béo phì nghiêm trọng có nguy cơ ung thư gấp 4,8 lần so với người có trọng lượng cơ thể bình thường. Người trẻ thừa cân béo phì càng lâu, chỉ số BMI lớn, nguy cơ phát triển bệnh càng cao.
Béo phì gây ra tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể, dẫn đến tổn thương DNA và tăng nguy cơ ung thư. Béo phì làm tăng mức estrogen, testosterone và insulin trong cơ thể. Những thay đổi nội tiết tố này có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư. Béo phì cũng làm tăng áp lực lên dạ dày, dẫn đến trào ngược acid dạ dày vào thực quản, gây kích ứng và tổn thương niêm mạc thực quản, tạo điều kiện cho sự phát triển của tế bào ung thư.
Giảm cân là biện pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ ung thư thực quản ở người béo phì. Người béo phì thường có xu hướng ăn uống không lành mạnh và ít vận động, các yếu tố này cũng góp phần vào quá trình phát triển khối u ác tính. Do đó người thừa cân, béo phì nên có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế ăn thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, đồ ăn chiên rán, thức ăn lên men và thức ăn có vị chua.
Người béo phì có thể giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư thực quản và nâng cao sức khỏe của bản thân bằng cách tăng cường vận động thể chất, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Bỏ hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia là biện pháp quan trọng để phòng ngừa ung thư thực quản.
Với những người thừa cân, béo phì, trong gia đình có người thân đã mắc một loại ung thư, nên tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư thực quản.
6. Chi phí điều trị ung thư thực quản
Chi phí điều trị ung thư thực quản có thể khá cao, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
Giai đoạn bệnh: Chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm thì chi phí điều trị càng thấp.
Phương pháp điều trị: Phẫu thuật thường có chi phí cao hơn xạ trị hoặc hóa trị.
Loại thuốc sử dụng: Một số loại thuốc điều trị ung thư có giá thành rất cao.
Cơ sở y tế: Chi phí điều trị tại các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân thường cao hơn so với các bệnh viện nhỏ.
Bảo hiểm y tế: Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ được hỗ trợ một phần.
Ngoài ra, người bệnh ung thư thực quản còn cần chi trả cho các chi phí khác như:
Chi phí ăn uống, sinh hoạt tại bệnh viện
Chi phí đi lại
Chi phí chăm sóc tại nhà (nếu cần)
*Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về nguy cơ ung thư thực quản, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.