6 chiến lược để du lịch Việt Nam thu hút thêm nhiều khách nước ngoài
Ngành du lịch Việt Nam nên làm gì để duy trì đà phục hồi sau đại dịch và thu hút thêm nhiều khách nước ngoài?
Du lịch Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc từ năm 2022 đến nay. Năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kết quả ấn tượng là 12,6 triệu lượt, tăng gấp 3,5 lần so với năm trước đó và vượt mục tiêu ban đầu là 8 triệu lượt.
Gần đây, Việt Nam đã đón hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong quý 1/2024, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với mức trước đại dịch năm 2019.
Theo Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, Tiến sĩ Jackie Ong: “Mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 có vẻ rất khả thi với những nỗ lực đã và đang được thực hiện cùng các chiến lược đa dạng hóa và chính sách thị thực thuận lợi”.
Bà Jackie Ong nhấn mạnh: “Để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng sau năm 2024, điều quan trọng là phải công nhận du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Nỗ lực hợp tác giữa các cộng đồng, cơ quan hữu quan và doanh nghiệp liên quan đến ngành du lịch là yếu tố then chốt để khiến Việt Nam hấp dẫn trong mắt du khách”.
Theo quan sát của Tiến sĩ Jackie Ong, các chiến lược tiếp thị, định hướng xây dựng sản phẩm đặc sắc và chính sách thị thực mở cửa trong thời gian qua đã bổ trợ hiệu quả cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú sẵn có ở Việt Nam. Các sản phẩm du lịch hiện đang mở rộng sang du lịch sông nước, du lịch ẩm thực, du lịch nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch lễ hội.
Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và Khách sạn RMIT, chỉ ra rằng du lịch kết hợp với hoạt động hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm (MICE) cũng có đà phát triển tốt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến cho công việc và giải trí được ưa chuộng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ngành du lịch MICE của Việt Nam ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm là 5% trong 5 năm tới. Đây là thông tin tích cực vì du lịch MICE có thể kích thích kinh tế đáng kể bằng cách thu hút đối tượng khách đi công tác với nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động lưu trú, ăn uống và giải trí tại địa phương. Loại hình này cũng thúc đẩy khả năng nhận diện của điểm đến và thu hút du khách quay lại.
“Thị trường MICE ở Việt Nam hiện chủ yếu đón du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng nhìn xa hơn, Việt Nam nên đặt mục tiêu trở thành địa điểm MICE được các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka lựa chọn. Các quốc gia này hiện có thị trường tăng trưởng mạnh mẽ cùng với khát vọng phát triển vượt bậc về kinh tế”, Tiến sĩ Pang cho biết.
Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ việc nhắm đến các thị trường ngách có khả năng chi tiêu cao, chẳng hạn như thu hút giới siêu giàu Ấn Độ chọn Việt Nam làm nơi tổ chức đám cưới.
Năm ngoái, du khách Ấn Độ đã tổ chức một số đám cưới xa hoa tại Hạ Long, Đà Nẵng hay Phú Quốc.
Theo giảng viên RMIT Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy: “Với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời, lòng hiếu khách nồng hậu và những khách sạn đẳng cấp thế giới, Việt Nam đang dần nổi lên như một điểm đến lý tưởng cho các cặp đôi siêu giàu muốn kết hôn một cách độc đáo và đáng nhớ”.
Cũng theo bà Daisy, đám cưới mang lại doanh thu đáng kể cho nền kinh tế địa phương thông qua chi tiêu cho địa điểm, chỗ ở, dịch vụ ăn uống và giải trí. Du lịch cưới còn thúc đẩy trao đổi văn hóa thông qua những phong tục và nghi lễ truyền thống diễn ra trong buổi lễ.
Có lẽ động lực thúc đẩy du lịch quốc tế được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua là chính sách thị thực mới của Việt Nam.
Trước đây, Việt Nam chỉ áp dụng cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia với thời hạn tối đa 30 ngày và có hiệu lực cho nhập cảnh 1 lần. Kể từ ngày 15/8/2023, thị thực điện tử được mở rộng cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ với thời hạn lên đến 90 ngày và hiệu lực nhập cảnh một hoặc nhiều lần.
Giảng viên cấp cao RMIT, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực như bước đi cần thiết tiếp theo. Trong bối cảnh các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia đã nới lỏng yêu cầu thị thực, Việt Nam có thể hưởng lợi khi làm theo họ và thu hút du khách kết hợp thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á trong một chuyến đi.
Tiến sĩ Ribeiro nhận định: “Việt Nam nên xem xét miễn thị thực cho các nước có trình độ phát triển cao hơn, chi tiêu du lịch lớn và có tiềm năng lưu trú dài hạn, bao gồm các quốc gia như Australia, Canada, Mỹ và thành viên còn lại của Liên minh Châu Âu (mà Việt Nam chưa miễn thị thực)”.
Ông nói thêm: “Thời gian không chờ đợi ai - nếu Việt Nam trì hoãn mở rộng chính sách miễn thị thực thì sẽ có nguy cơ mất đi cơ hội thu hút du khách từ các thị trường du lịch lớn”.
Tiến sĩ Jackie Ong cho biết: “Ngành du lịch Việt Nam đang trên quỹ đạo tăng trưởng bền vững. Bằng cách thực hiện các biện pháp chiến lược và ưu tiên chất lượng hơn số lượng, Việt Nam có thể củng cố vị thế là điểm đến hàng đầu trên thế giới và đảm bảo ngành du lịch sẽ thành công lâu dài”.
Tiến sĩ Jackie Ong đề xuất một số chiến lược khác mà ngành du lịch Việt Nam có thể xem xét:
1. Đa dạng hóa các điểm tham quan: Ngành du lịch có thể phát triển và quảng bá nhiều loại điểm tham quan ngoài các điểm đến phổ biến, nhằm quảng bá sự phong phú về văn hóa, tự nhiên và lịch sử của đất nước.
2. Cải thiện cơ sở hạ tầng: Việt Nam nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay và giao thông công cộng, cũng như xem xét sử dụng các trung tâm giao thông vận tải làm chiến lược phát triển du lịch. Ví dụ, tính hiệu quả và sự tích hợp của các ga xe lửa ở Nhật Bản, Anh, Pháp và Singapore là một động lực thu hút du khách đến các quốc gia này.
3. Đẩy mạnh du lịch bền vững: Các hoạt động du lịch bền vững và có trách nhiệm đóng vai trò vô cùng cần thiết trong công tác bảo tồn môi trường và văn hóa địa phương. Cải thiện hệ thống quản lý chất thải và hỗ trợ đào tạo cho các sáng kiến du lịch cộng đồng tại các khu vực nông thôn là nhiệm vụ thiết yếu.
4. Nâng cao chất lượng dịch vụ: Mặc dù con số là thước đo thành công về mặt kinh tế nhưng việc quá chú trọng vào số lượng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa. Đảm bảo dịch vụ chất lượng cao và sự hiếu khách là yêu cầu quan trọng để tạo ra những trải nghiệm tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch cao cấp. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực cho ngành khách sạn và thúc đẩy giáo dục- đào tạo về du lịch, khách sạn là nhiệm vụ quan trọng.
5. Tiếp thị kỹ thuật số: Việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp thị hiệu quả rất cần thiết nếu muốn tiếp cận đối tượng rộng hơn và thích ứng với các xu hướng du lịch đang thay đổi.
6. An toàn và an ninh: Duy trì môi trường an toàn và an ninh cho khách du lịch là điều không thể thiếu để khuyến khích họ đến thăm Việt Nam lần đầu và quay lại những lần sau. Cần tập trung nâng cao kỹ năng quản lý đám đông để cải thiện trải nghiệm du lịch tổng thể.