6 công dụng đặc biệt với nữ giới của loại củ có sẵn trong bếp mỗi gia đình

Hai nhà khoa học dinh dưỡng hàng đầu của Anh là Aisling Moram và Shona Wilkinson đã liệt kê 6 tác dụng của củ nghệ là lý do chúng ta nên sử dụng nguyên liệu này hàng ngày.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ xa xưa, củ nghệ được sử dụng như một loại thảo dược quý và một gia vị hoàn hảo cho các công thức nấu ăn nổi tiếng ở cả châu Á và châu Âu. Theo các chuyên gia, bổ sung thành phần này vào bữa ăn hàng ngày giúp cải thiện sức khỏe và mang lại nhiều lợi ích khác, đặc biệt đối với phái nữ.

Nghệ có nguồn gốc từ cây curcuma longa, là cây thân thảo lâu năm thuộc họ gừng. Củ nghệ chứa nhiều chất curcumin, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, từ đó tạo ra lợi ích cho sức khỏe và làn da phụ nữ.

Curcumin là một phần của một nhóm các hợp chất hoạt động được gọi là curcuminoids. Ngoài curcumin, củ nghệ còn chứa các curcuminoids khác như demethoxycurcumin và bitoremethoxycurcumin, nhưng curcumin là thành phần phổ biến và có nhiều công dụng nhất, chiếm khoảng 77%. Curcumin được các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu từ rất lâu và thu được kết quả tích cực về tác dụng của loại chất này đối với người sử dụng củ nghệ.

Thực phẩm giúp chống oxy hóa

Nghiên cứu cho thấy, curcumin có tác dụng làm giảm ảnh hưởng xấu của quá trình "căng thẳng oxy hóa" nhờ kích thích sản xuất các enzyme chống oxy hóa trong cơ thể. Theo chuyên gia Moram, căng thẳng oxy hóa là tình trạng khi có quá nhiều gốc tự do trong cơ thể và chúng ta không có đủ enzyme để diệt trừ những gốc tự do này. Từ đó dẫn đến việc xảy ra lỗi hoặc hỏng đối với tế bào DNA hoặc protein. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến viêm, nhiễm ở mức độ nhẹ hoặc mãn tính. Sử dụng củ nghệ thường xuyên giúp cung cấp curcumin, chống lại tác động xấu của quá trình oxy hóa đến sức khỏe và làn da.

Thực phẩm giúp chống viêm

Theo chuyên gia dinh dưỡng Wilkinson, viêm là một quá trình tự nhiên và cần thiết để phục hồi, chữa lành thương tổn. Tuy nhiên, khi viêm kéo dài và không thể kiểm soát, nó gây ra các vấn đề xấu đối với sức khỏe. Nhiều bệnh lý phổ biến liên quan đến tình trạng viêm bao gồm bệnh tim, béo phì, dị ứng và các bệnh lý về da.

Ngoài tác dụng chống oxy hóa, curcumin còn giúp chống viêm thông qua quá trình ức chế các phần tử gây viêm. Ngoài công dụng giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, curcumin trong củ nghệ còn giúp giảm viêm do tập thể dụng hoặc đau khớp.

Củ nghệ giúp tăng cường bảo vệ khớp

Theo chuyên gia Moram, đau khớp và viêm khớp là những dấu hiệu rõ nhất của tình trạng viêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra, củ nghệ có tác dụng tương tự như thuốc chống viêm trong điều trị viêm khớp và không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu với quy mô rộng hơn để xác định chính xác tác dụng và liều lượng thích hợp.

Củ nghệ giúp tăng cường sức khỏe não bộ

Củ nghệ giúp cải thiện sức khỏe não bộ, giúp giảm các triệu chứng trầm cảm hoặc bệnh Alzheimer. Theo chuyên gia Moram, tác dụng chống viêm góp một phần trong tăng cường sức khỏe não bộ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra, curcumin còn có tác dụng tăng cường mức hormone BDNF, một loại hormone tăng trưởng rất quan trọng đối với não bộ.

Củ nghệ hỗ trợ tiêu hóa

Theo chuyên gia Moram, củ nghệ hoạt động như một túi mật. Nó kích thích túi mật hoạt động, sản xuất và phóng mật vào đường tiêu hóa. Mật có chức năng phân hủy và tiêu hóa chất béo trong thức ăn mà con người tiếp nạp vào cơ thể. Chuyên gia dinh dưỡng Wilkinson cho biết, cơ thể cần giữ chất béo để duy trì tình trạng khỏe mạnh của các cơ quan như da, mắt, tim, não và góp phần sản xuất các hormone như estrogen và testosterone.

Con người cần tiêu hóa chất béo để hấp thụ các vitamin tan có lợi trong chất béo như vitamin A, rất quan trọng đối với thị lực, sự khỏe khoắn của làn da và khả năng miễn dịch. Ngoài chức năng phân hủy chất béo, mật còn giúp bài tiết độc tố lọc từ máu ra khỏi gan và giúp một người có nhu động ruột bình thường. Do đó, sử dụng củ nghệ còn có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt.

Củ nghệ có lợi cho tim

Ngoài những tác dụng kể trên, củ nghệ đã được chứng minh cải thiện chức năng lớp nội mạc (lớp lót) của mạch máu, từ đó làm giảm nguy cơ rối loạn chức năng nội mô – nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim. Ngoài ra, củ nghệ có tác dụng giảm cholesterol, làm loãng máu để máu lưu thông bình thường, không xuất hiện tình trạng đông máu bất thường. Chuyên gia Wilkinson cho biết thêm, chất curcumin giúp ngăn ngừa những thương tổn mạch máu có thể dẫn đến xơ vữa động mạch (sự tích tự các mảng bám trong động mạch).

Theo Phương Thanh/Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/6-cong-dung-dac-biet-voi-nu-gioi-cua-loai-cu-co-san-trong-bep-moi-gia-dinh/20200710094619885