6 điểm đáng chú ý của Luật Đất đai mới nhất vừa được Quốc hội thông qua
Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất, trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu và giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất,... là một những nội dung đáng chú ý trong Luật Đất đai mới nhất vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 18/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên bế mạc. Với số phiếu tán thành chiếm tỷ lệ 87,63%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Luật gồm 16 chương, 260 điều, hiệu lực thi hành từ ngày 1//2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024. Cùng với đó là nhiều quy định chuyển tiếp trong luật.
Một số điểm mới của Luật Đất đai vừa được thông qua là:
Thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư
Luật đã quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: (1) xây dựng công trình công cộng; (2) xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; (3) các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách….
Luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất….
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Các quy định của Luật đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.
Theo đó quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Phân cấp cho các địa phương trong xác định các chỉ tiêu quy hoạch để các địa phương chủ động phát triển kinh tế - xã hội.
Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Luật đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Quy định rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Luật đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực để thực hiện chính sách.
Đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định hạn chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương.
Giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực, cụ phân cấp trong chuyển mục đích sử dụng đất, trong quyết định giá đất cụ thể, thu hồi đất… dám đấu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại Khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay… Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục…
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Luật quy định điều tra cơ bản đất đai, đánh giá tiềm năng đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất. Đồng thời thể chế các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18 của Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Ngày 12/3/2023, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản số 03/2023/PC-VIASEE về việc Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai 2023 (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trước đó, ngày 9/3/2023, tại trụ sở Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (tầng 3 Cung Trí thức, số 1 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam".
Tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết "Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", PGS.TS Trương Mạnh Tiến đặt vấn đề.
Bên cạnh đó PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhấn mạnh "Tôi lấy ví dụ đơn giản về mối liên hệ giữa đất đai và môi trường như sau: Chỗ nào có chất lượng môi trường tốt thì giá đất sẽ cao và gia tăng giá trị theo thời gian và ngược lại. Vậy dự thảo Luật Đất đai đã đề cập đến vấn đề này hay chưa? Và trong thời gian tới có đưa vấn đề này vào hay không?..."