6 đồ uống tốt cho người bị viêm đường tiết niệu

Người bị viêm đường tiết niệu thường điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, việc lựa chọn một số loại đồ uống phù hợp có thể giúp giảm các triệu chứng viêm đường tiết niệu.

NỘI DUNG

1. Bị viêm đường tiết niệu nên uống gì tốt nhất?

2. 6 đồ uống nên uống khi bị viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý khá phổ biến và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng.

TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng khoa Thận Tiết niệu – Lọc máu, BV E Trung ương cho biết, khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu như đau, rát khi đi tiểu, thường xuyên muốn đi tiểu nhưng lượng nước tiểu ít... người bệnh nên đi khám chuyên khoa, làm xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm khác để được chẩn đoán nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp. Thông thường cần phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Người bệnh cần lưu ý tuân theo đúng chỉ định, không được ngừng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.

Người bệnh nên uống nhiều nước để làm loãng nước tiểu, giúp đi tiểu thường xuyên hơn và loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu một cách dễ dàng. Hạn chế đồ uống có đường hoặc chứa caffein có thể gây mất nước.

Ngoài ra, người bị viêm đường tiết niệu có thể tham khảo một số đồ uống dưới đây:

1. Bị viêm đường tiết niệu nên uống gì tốt nhất?

Uống nhiều nước giúp cơ thể hồi phục sau viêm đường tiết niệu. Uống nhiều nước và tạo ra nhiều nước tiểu giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi hệ tiết niệu nhanh hơn. Giữ nước cũng giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt nhất. Điều này cho phép chống lại nhiễm trùng và phục hồi nhanh hơn.

2. 6 đồ uống nên uống khi bị viêm đường tiết niệu

Nước

Nước giúp thanh lọc đường tiểu, hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu.

Nước giúp thanh lọc đường tiểu, hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu.

Nước là lựa chọn đầu tiên khi bị viêm đường tiết niệu. Nó giữ cho cơ thể đủ nước mà không cần thêm đường hoặc hóa chất. Ngoài ra, nếu bị sốt, nước cũng giúp thay thế chất lỏng mà cơ thể mất đi do quá nóng.

Nếu dễ bị viêm đường tiết niệu, uống nhiều nước hơn có thể làm giảm nguy cơ phát triển viêm đường tiết niệu sau này. Theo nghiên cứu, những phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang không biến chứng tăng lượng nước uống lên 1,5 l mỗi ngày ít có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu hơn những người uống ít nước hơn mỗi ngày.

Nước uống điện giải

Đồ uống điện giải pha sẵn có chứa chất điện giải, nước và đường. Chúng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho quá trình hydrat hóa hàng ngày nhưng khi bị bệnh, cơ thể dễ bị mất nước và chất điện giải nhanh hơn bình thường, do đó đồ uống điện giải có thể giúp ích nếu bị viêm đường tiết niệu.

Sữa chua uống probiotic

Men vi sinh probiotic có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Probiotics có thể chứa nhiều loại vi sinh vật, phổ biến nhất là vi khuẩn thuộc các nhóm Lactobacillus và Bifidobacterium. Lactobacillus có thể giúp ngăn chặn vi khuẩn "xấu" như E.coli phát triển và gây viêm đường tiết niệu.

Không có bằng chứng nào cho thấy men vi sinh có thể điều trị viêm đường tiết niệu nhưng men vi sinh có thể giúp xây dựng lại hệ vi sinh vật tự nhiên. Có bằng chứng cho thấy men vi sinh có thể giúp tránh bị tiêu chảy do dùng thuốc kháng sinh khi điều trị viêm đường tiết niệu.

Trà xanh đã khử caffeine

Trà xanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe như hạ huyết áp và cải thiện lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu cho thấy trà xanh cũng có thể giúp chống lại viêm đường tiết niệu. Hầu hết các lợi ích sức khỏe từ trà xanh có thể bắt nguồn từ các hợp chất gọi là catechin polyphenolic. Những hợp chất này đã được phát hiện là có tác dụng kháng khuẩn đối với E.coli - vi khuẩn thường gây ra viêm đường tiết niệu.

Mặc dù trà xanh có nhiều hợp chất hữu ích nhưng nó cũng chứa caffeine. Do đó, để tránh dùng caffeine khi bị viêm đường tiết niệu, hãy chọn trà xanh đã khử caffeine.

Trà hoa cúc

Trà hoa cúc có thể giúp giảm viêm, loại bỏ vi khuẩn trong đường tiết niệu.

Trà hoa cúc có thể giúp giảm viêm, loại bỏ vi khuẩn trong đường tiết niệu.

Trà hoa cúc được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị một số bệnh, trong đó có viêm đường tiết niệu.

Hoa cúc có tác dụng lợi tiểu, chứa các hợp chất thực vật có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Những đặc điểm này được cho là giúp giảm viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và loại bỏ vi khuẩn trong đường tiết niệu.

Trà bạc hà

Trà làm từ bạc hà cũng được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên cho bệnh viêm đường tiết niệu.

Một số nghiên cứu về ống nghiệm đã phát hiện ra rằng lá bạc hà có tác dụng kháng khuẩn chống lại các loại vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu khác nhau, chẳng hạn như E.coli. Một số hợp chất được tìm thấy trong lá bạc hà cũng có thể giúp giảm sức đề kháng của vi khuẩn đối với thuốc kháng sinh.

Mỹ Uyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-do-uong-tot-cho-nguoi-bi-viem-duong-tiet-nieu-169241217110220413.htm