6 đường dây nóng giải đáp chính sách của gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng
Người dân, doanh nghiệp có thể gọi tới 6 số điện thoại đường dây nóng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải đáp các phản ánh, kiến nghị trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố về việc thông báo điều chỉnh phân công theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện các chính sách theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 .
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mọi người dân có thể gọi điện đến 6 số điện thoại đường dây nóng để được giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương. Có 6 số điện thoại đường dây nóng được phân công theo các nhóm chính sách hỗ trợ.
Đường dây nóng 0886487322 của Vụ Bảo hiểm xã hội giải đáp chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Đường dây nóng 0911011166 của Vụ Pháp chế giải đáp chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị mắc Covid-19 (F0), người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đường dây nóng 0911151166 của Cục Việc làm giải đáp chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.
Đường dây nóng 0911154488 của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương giải đáp chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đường dây nóng 0911191122 của Văn phòng Bộ giải đáp chính sách hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và thông tin tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách.
Đường dây nóng 0911041122 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngoài công bố các số điện thoại đường dây nóng, cơ quan này cũng phân công lãnh đạo bộ phụ trách triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương.
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh là Phó Trưởng ban thường trực, theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng tại 9 địa phương gồm: 5 địa phương thuộc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và 4 địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại 14 địa phương thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ.
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại 11 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, Phó Trưởng ban Chỉ đạo theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng tại 10 địa phương, gồm 6 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và 4 địa phương thuộc vùng Duyên hải miền trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Phó Trưởng ban Chỉ đạo theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại 19 địa phương gồm 13 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) và 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ (Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng. Thủ tục triển khai rất thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42 năm 2020.
Tính đến ngày 24/7, nhiều địa phương đã đạt kết quả cao.
Cụ thể, nhóm Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đã có 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với gần 11 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.300 tỷ đồng.
Như vậy, chính sách này đã hoàn thành. Tất cả người điều trị F0 và cách ly F1 đã được hỗ trợ tiền ăn kịp thời.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 52.081 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 5.922 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Đến nay, đã hỗ trợ 31.348 người lao động, tổng số tiền gần 62,7 tỷ đồng.
Các địa phương đang rà soát, thống kê để hỗ trợ các hộ kinh doanh. Đến nay, có khoảng 5.500 hộ kinh doanh tại các địa phương đã được hỗ trợ.
Ngân hàng đã triển khai tái cấp vốn, sau 1 tuần đã hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt cho 62 hồ sơ đề nghị vay vốn, giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ 13.577 lao động.