6 huyệt vị giúp cải thiện tình trạng ngủ ngáy
Ngủ ngáy không chỉ gây phiền toái với người xung quanh mà còn phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe như thừa cân béo phì, bệnh lý tim mạch, nguy cơ đột quỵ… Day bấm huyệt là phương pháp đơn giản mà hiệu quả cải thiện tình trạng này.
1. Ngủ ngáy do đâu?
Y học hiện đại cho rằng, sở dĩ có hiện tượng ngáy khi ngủ là do luồng không khí đang hít vào đi qua một vùng hẹp trên đường hô hấp, tác động làm cho niêm mạc các mô xung quanh rung lên mà tạo ra âm thanh.
Vùng hẹp gây ra tiếng ngáy có thể xuất hiện ở vùng mũi, miệng hoặc họng, đây là hậu quả của một hoặc một vài yếu tố kết hợp như một số dị tật bẩm sinh, tắc nghẽn đường hô hấp trên, giảm trương lực cơ trong cổ họng và lưỡi, mô họng quá lớn, vòm miệng hoặc lưỡi gà quá dài, uống rượu, hút thuốc lá, do thói quen nằm khi ngủ…
Theo Đông y, hiện tượng ngủ ngáy liên quan đến hơi thở vào. Hơi thở vào của một người thông thường sẽ từ mũi, sau đó theo mạch Đốc, đi lên đỉnh đầu rồi vòng ra sau gáy, đi dọc theo cột sống, qua Mệnh môn ở giữa hai Thận rồi đi xuống vùng Đan điền. Chính vì vậy ngủ ngáy có liên quan trực tiếp đến chức năng của mạch Đốc và khả năng nạp khí của Thận.

Ngủ ngáy không chỉ ảnh hưởng đến người xung quanh mà còn phản ánh nhiều tình trạng sức khỏe.
Đông y chia ngủ ngáy thành nhiều thể, do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là các nguyên nhân:
- Đàm trọc trở trệ: Đàm do ăn uống không lành mạnh, cơ thể hư nhược, Tỳ Vị mất kiện vận làm tắc nghẽn khí đạo, cản trở sự lưu thông của khí mà gây ra tiếng ngáy. Đàm trọc trở trệ gây ngủ ngáy thường gặp ở người có thể trạng béo phì, bụng to, tiếng ngáy thường to, kèm theo nhiều đờm dãi, ngủ dậy người nặng nề, mỏi mệt.
- Thận khí bất túc: Thận chủ nạp khí, Thận hư không nạp được khí ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, trong nhịp thở vào, Phế khí không thông lợi mà phát ra tiếng ngáy. Tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, người thể trạng suy yếu, kèm theo các dấu hiệu của Thận hư như tiểu đêm nhiều, lưng gối đau mỏi, chân tay lạnh, suy giảm sinh lực…
- Can hỏa vượng: Can khí uất kết hóa hỏa bốc lên khiến cho thần không yên, ngủ không ngon giấc, ngủ mê mà hay ngáy. Chứng ngủ ngáy do nguyên nhân này thường gặp ở những người thường xuyên căng thẳng, hay cáu gắt, kèm theo các triệu chứng đau đầu, tăng huyết áp, đắng miệng, đau nhức mạn sườn…
- Phong tà phạm Phế: Ngoại tà xâm nhập khiến cho Phế khí uất trệ, họng tắc, mũi nghẹt, khi lưu thông không thông sướng mà phát ra tiếng ngáy. Trường hợp này thường gặp ở người bị cảm mạo, trong lúc thời tiết thay đổi, thường kèm theo sốt, nghẹt mũi, ho, nhiều đờm…
- Kinh mạch trở trệ: Những người có chấn thương vùng cổ họng, chấn thương vùng đầu mặt, mới trải qua phẫu thuật vùng hầu họng kinh lạc bị tổn thương, khí huyết lưu thông không điều hòa, huyết ứ tắc trở ở vùng yết hầu sinh ra tắc nghẽn mà phát ra tiếng ngáy.
2. Day bấm một số huyệt vị hỗ trợ giảm ngáy ngủ
Theo Đông y, ngủ ngáy có thể là biểu hiện của khí cơ bất điều, tạng phủ suy thoái, nếu để lâu dễ sinh ngưng thở khi ngủ, tổn thương Tâm – Thận. Trị liệu cần biện chứng luận trị: Tiêu đàm, bổ Thận, tuyên Phế, hành khí, hoạt huyết.
Dưới đây là một số huyệt có thể tự tác động hằng ngày để hỗ trợ cải thiện tình trạng trên:
2.1 Huyệt Nghinh hương
Vị trí: Hai bên cánh mũi, cách cánh mũi khoảng nửa thốn, trên điểm giao qua chân mũi với rãnh mũi miệng.
Tác dụng: Nghinh là đón nhận, hương là mùi thơm. Tác động vào huyệt Nghinh hương giúp thông mũi, làm thông thoáng đường khí, từ đó hỗ trợ cải thiện tình trạng ngủ ngáy.
2.2 Huyệt Liêm tuyền
Vị trí: Ở chính giữa bờ trên sụn giáp, trên lằn chỉ ngang chỗ cuống hầu 0.2 thốn.
Tác dụng: Huyệt Liêm tuyền có tác dụng lợi hầu họng, trừ đám khí, giảm rung động vùng hầu họng, giảm ngủ ngáy.

Vị trí huyệt Liêm tuyền có tác dụng lợi hầu họng, giảm ngủ ngáy.
2.3 Huyệt Âm lăng tuyền
Vị trí: Ở mặt trong cẳng chân, chỗ lõm phía dưới sau lồi cầu trong xương chày.
Tác dụng: Đây là huyệt Hợp trong nhóm Ngũ du huyệt của kinh Tỳ. Xoa bấm huyệt này có thể điều hòa chức năng của Tỳ. Tỳ chủ vận hóa, lợi thủy thẩm thấp; thấp sinh đàm, vì vậy huyệt Âm lăng tuyền có tác dụng kiện thân, trừ đàm, có tác dụng hỗ trợ điều trị ngủ ngáy.
2.4 Huyệt Phong long
Vị trí: Ở mặt ngoài cẳng chân, trên mắt cá ngoài 8 thốn.
Tác dụng: Đây là huyệt đầu tay trong trừ đàm của châm cứu Đông y. Phong long thuộc kinh túc dương minh Vị, là lạc huyệt của kinh Vị, vừa thuộc kinh Vị, lại liên hệ với kinh Tỳ. Tỳ chủ vận hóa, nếu Tỳ hư khiến thủy thấp không chuyển hóa được thì dễ tụ thành đàm; Phong long có thể điều hòa cả hai tạng Vị và Tỳ, hiệu quả trừ thấp tiêu đàm cực kỳ rõ rệt. Phong long cùng Âm lăng tuyền phối hợp rất hiệu quả cho người ngủ ngáy thể trạng thừa cân, béo phì.
2.5 Huyệt Trung quản
Vị trí: Ở đường giữa trong vùng thượng vị, cách rốn lên 4 thốn.
Tác dụng: Đây là huyệt hội của các phủ. Các bệnh lý liên quan đến tạng phủ do Tỳ Vị mất điều hòa, vận hóa bất thường đều có thể dùng Trung quản để điều trị. Huyệt này vừa có tác dụng tuyên Phế, vừa trừ đàm, là huyệt lý tưởng để chữa chứng ngủ ngáy.
2.6 Huyệt Thiên khu
Vị trí: Ở vùng giữa bụng, cách chính giữa rốn sang 2 bên 2 thốn, khi lấy huyệt chỉ cần đo ngang từ rốn ra bên trái hoặc bên phải khoảng 2 ngón tay là được.
Tác dụng: Thiên khu thuộc kinh Vị và nằm gần dạ dày, có tác dụng điều hòa chức năng dạ dày, ruột, bổ hư hóa thấp. Khi kết hợp Thiên khu với Trung quản sẽ tăng cường hiệu quả trị ngủ ngáy.
Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng ngủ ngáy, người ngủ ngáy cũng cần lưu ý kiểm soát tốt cân nặng, kiểm soát chế độ ăn, tăng cường vận động, rèn luyện thể dục, nằm nghiêng khi ngủ, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, chủ động điều trị các nguyên nhân gây ngáy và đặc biệt cần khám, điều trị kịp thời nếu ngủ ngáy có kèm theo các dấu hiệu bất thường...
Mời bạn xem tiếp video:
Mách bạn 4 mẹo giúp giảm ngủ ngáy hiệu quả ở phụ nữ | SKĐS