6 lầm tưởng phổ biến về bệnh sốt xuất huyết

Việc tin vào những quan niệm sai lệch khi bị sốt xuất huyết có thể khiến người bệnh bỏ lỡ 'thời điểm vàng' điều trị.

 Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Freepik.

Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Freepik.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng vẫn tồn tại nhiều hiểu lầm quanh nguyên nhân, đường lây và cách điều trị bệnh. Những quan niệm sai này có thể khiến người bệnh chủ quan hoặc xử lý không đúng cách. Theo trang tin Dengue.com, dưới đây là 8 hiểu lầm phổ biến cần được nhìn lại.

Bị muỗi đốt tức là đã nhiễm sốt xuất huyết?

Không phải cứ bị muỗi đốt là sẽ mắc sốt xuất huyết. Thực tế, phần lớn muỗi không mang mầm bệnh. Ngay cả những loài muỗi truyền bệnh, chúng cũng có thể gây ra nhiều bệnh khác như sốt rét, chikungunya hay sốt vàng da, chứ không riêng sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết do muỗi Aedes truyền bệnh, nhưng chỉ khi con muỗi đó mang virus. Loài này có đặc điểm nhận dạng là sọc trắng đen rõ rệt trên thân, thường đốt người vào ban ngày, đặc biệt ở khu vực khuỷu tay và đầu gối, vết đốt cũng đỏ và ngứa hơn.

Từng bị sốt xuất huyết thì sẽ miễn nhiễm?

Miễn dịch sau khi mắc bệnh chỉ kéo dài trong vài tháng và chỉ bảo vệ cơ thể trước đúng chủng virus từng nhiễm. Trên thực tế, virus sốt xuất huyết có đến 4 chủng khác nhau. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể mắc lại nếu bị nhiễm một chủng khác và nguy cơ sốt xuất huyết nặng khi tái nhiễm cũng cao hơn lần đầu.

Nhà không gần ao hồ hay cống rãnh thì sẽ không có muỗi?

Không giống những loài muỗi ưa sống ở đầm lầy hay vùng nước bẩn, muỗi Aedes lại sinh sản trong nước sạch, tù đọng. Chúng đẻ trứng vào những vật dụng chứa nước do con người để lại như chai lọ, lon thiếc, lốp xe cũ... thậm chí chỉ cần một vũng nước nhỏ bằng đồng xu cũng đủ để trứng nở thành bọ gậy. Vì vậy, nhà không gần ao hồ, cống rãnh không đồng nghĩa với việc không có khả năng mắc bệnh.

Nước lá đu đủ, cây thuốc truyền thống có thể chữa khỏi bệnh?

Ở nhiều nước có dịch sốt xuất huyết, người dân thường dùng các phương pháp dân gian như nước lá đu đủ, cây cỏ để điều trị. Dù những phương pháp này có thể giúp tăng tiểu cầu trong máu song đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận chúng có thể chữa khỏi bệnh.

Dùng thuốc xịt côn trùng là đủ để kiểm soát muỗi gây bệnh?

Nhiều người nghĩ rằng dùng thuốc xịt, vợt muỗi hay nhang muỗi là biện pháp hiệu quả để ngừa muỗi. Tuy nhiên, những cách này chỉ giúp hạn chế bị muỗi đốt trong thời gian ngắn chứ không tiêu diệt tận gốc muỗi. Đặc biệt, một số nơi đã ghi nhận khả năng kháng thuốc diệt côn trùng của muỗi vằn. Vì thế, dọn sạch nơi muỗi sinh sản vẫn là giải pháp hiệu quả hơn nhiều.

Hết sốt là khỏi bệnh?

Nhiều người nghĩ rằng khi cơn sốt đã lui thì bệnh cũng kết thúc. Nhưng thực tế, các biến chứng nặng có thể đến với người bệnh sau giai đoạn sốt, chẳng hạn như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa... Đây là giai đoạn nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan khi hết sốt.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/6-lam-tuong-pho-bien-ve-benh-sot-xuat-huyet-post1565724.html