6 mô hình chợ độc đáo chỉ có thể nhìn thấy ở Việt Nam
Ngay từ xa xưa, chợ đã gắn bó với lối sống và là nơi thể hiện văn hóa, sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, do đặc thù khác biệt của từng vùng, những phiên chợ độc đáo cũng được hình thành từ đây.
1. Chợ nổi Cái Răng
Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thuở xưa, chợ nổi hình thành là vì đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, trong khi đó nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân khá nhiều. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn.
Chợ nổi Cái Răng cách cầu Cái Răng khoảng 600m, nằm trên địa phận quận Cái Răng, TP Cần Thơ, mỗi ngày có từ 300-400 ghe, tàu buôn bán, kinh doanh hàng hóa tại đây. Hơn 100 năm hình thành và phát triển, chợ nổi Cái Răng trở thành biểu tượng du lịch đặc trưng của TP Cần Thơ. Đây cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây.
2. Chợ chiếu Định Yên
Nét độc đáo của chợ chiếu Định Yên là nhóm họp vào lúc nửa khuya cho đến hai, ba giờ sáng, nên người ta còn gọi chợ là chợ ma, chợ âm phủ… Đặc biệt, chợ chiếu Định Yên không hề có quầy, sạp kinh doanh, người mua chiếu thường tìm một nơi cố định ngồi chờ, còn người bán thì vác những sản phẩm chiếu trên vai đi tới, đi lui rao hàng, nói giá… tất cả các hoạt động quây quần trước sân chùa An Phước. Tuy chợ không có quầy sạp cố định nhưng người mua kẻ bán ở chợ tấp nập. Sau khi chọn được hàng và ngã giá xong, người mua thanh toán tiền, người bán giao hàng.
Đến Định Yên hôm nay, chúng ta sẽ không còn thấy không khí nhộn nhịp của phiên chợ độc đáo ngày nào, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào tận thôn, xóm để thu mua trực tiếp sản phẩm một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng nuôi dưỡng, theo đuổi để nghề dệt chiếu nơi đây trở thành làng nghề truyền thống có hơn trăm năm tồn tại và phát triển này.
3. Chợ âm phủ Đà Lạt
Người dân buôn bán ở đây cho biết, chợ sở dĩ có tên gọi là “âm phủ” bởi trước kia chưa có đèn đường, các gian hàng bán đồ ăn chỉ thắp một cây đèn nhỏ giữa không gian tối tăm. Để xuống được khu chợ, du khách phải lần mò theo các bậc tam cấp rất khó khăn. Chợ âm phủ là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nào đến Đà Lạt bởi không khí mua bán tấp nập ban đêm, hàng hóa, thức ăn giá rẻ.
Về đêm, trời lạnh nên khu này chủ yếu chỉ bán những món nướng. Nhiều loại nông sản như bắp, khoai lang… được chính nông dân mang xuống chợ này nướng bán cho du khách.
4. Chợ nón Gò Găng
Chợ nón Gò Găng là ngôi chợ độc đáo vô cùng, bởi từ 3 giờ sáng, phiên chợ đã bắt đầu sầm uất. Hàng trăm người từ các vùng lân cận tất bật tụ về, người bán, người mua gọi nhau rôm rả. Mọi người nhận ra nhau nhờ những ngọn đèn dầu leo lét, những ngọn nến lay lắt trong tiếng gió. Những người buôn bán lâu năm ở đây cho biết “Phiên chợ đã thành lệ, chẳng ai còn ngại cảnh tối tăm. Chợ toàn là những nữ nông dân nghèo khó trong vùng. Nón đem ra chợ bán được họ làm trong những lúc nông nhàn”.
Ở chợ nón, người mua, người bán dường như đều quen biết nhau, cách xưng hô đầy thân mật, giọng xứ nẫu nghe chân chất. Bán xong mấy chồng nón, các cô lại mua các vật dụng dùng để làm nón và trở về để ra đồng. Tan chợ, những người thu mua nón vận chuyển nón Gò Găng đến khắp mọi miền đất nước, có khi phân phối tận thị trường Lào, Campuchia.
5. Chợ tình Khâu Vai
Chợ Khâu Vai (Khâu Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) còn gọi là chợ Phong Lưu, có từ gần 100 năm nay. Có nguồn nói là từ năm 1919. Chợ nằm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch.
Vì đây là địa điểm để người ta tìm đến nhau, sau một năm xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa.
6. Chợ phiên Bắc Hà
Được nhiều người biết đến là chợ vùng cao lớn nhất Lào Cai, tụ tập nhiều thương lái ở các dân tộc xa gần về trao đổi, buôn bán nhưng Bắc Hà còn nức tiếng hơn bởi vẫn giữa được những nét truyền thống. Chợ Bắc Hà họp vào chủ nhật hàng tuần từ sáng đến 2h. Đến đây có thể tìm thấy bất kỳ vật dụng nào cần thiết cho cuộc sống của người dân tộc từ cuốc, xẻng tới đồ thổ cẩm hay thậm chí là trâu ngựa, được phân chia khá rõ ràng thành các khu chợ nhỏ hơn để dễ tìm kiếm.
Nét riêng có của phiên chợ độc đáo vùng cao Bắc Hà là đến đây bạn sẽ được thưởng thức thắng cố, món ăn đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo, cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Chợ phiên Bắc Hà mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao Tây Bắc, lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo.